Khói bụi, tiếng ồn các mỏ đá bủa vây tra tấn người dân nhiều năm nay
Hàng ngày, rất nhiều hộ dân tại xã Châu Pha, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu phải đối mặt với khói, bụi và tiếng ồn của các công ty khai thác đá nằm ngay gần khu dân cư. Vào mùa mưa còn đỡ, chứ lúc trời nắng, hàng trăm xe tải chạy qua chạy lại kéo lê đất, đá, khói bụi bay mù mịt như sương, tối tăm mặt mũi...
|
Các công ty, xí nghiệp khai thác đá mọc lên ngày một nhiều |
Bà Nguyễn Thị Luyến (thôn Tân Trung, xã Châu Pha) khi tiếp chúng tôi đã phải đóng kín các cảnh cửa, từ cửa sổ, cửa chính, thậm chí cả cửa sau để giảm tiếng ồn từ mỏ đá. Dù vậy, cuộc nói chuyện giữa khách và chủ vẫn bị ngắt quãng, nghe câu được câu mất, ngồi sát nhau mà phải nói thật lớn.
Bà cho biết: “Âm thanh này cứ ầm ầm phát ra từ 5h sáng cho tới chiều tối, nhiều hôm tới 22h đêm mới nghỉ. Khách khứa, bạn bè đến nhà chơi ngồi chưa đầy mươi phút đã chịu không nổi vì ồn quá, ngồi gần mà nói như cãi nhau. Mấy đứa con tôi sợ quá đã dọn ra ở riêng rồi".
Hồi bà Luyến mới về đây ở, khu này chỉ có một mỏ đá ở tít bên trong, máy thi thoảng mới chạy chứ không thường xuyên. Dăm năm nay, nơi này bỗng chốc mọc lên vài công ty khai thác đá, tần suất hoạt động dày hơn. Ban đầu, các công ty ở sâu bên trong, cách xa hàng trăm mét, nhưng tới nay, họ đã di chuyển máy móc đến gần nhà dân.
Suốt nhiều năm qua, bà và hàng chục hộ dân bị tra tấn bởi thứ âm thanh của đủ loại máy, của đất đá rơi ầm ầm. Nghe riết, chịu đựng riết, nhiều nhà không chịu nổi phải bỏ đi nơi khác sinh sống, chỉ còn những gia đình nghèo, không đủ điều kiện di dời ở lại chịu trận.
“Tôi lớn tuổi rồi, chịu đựng âm thanh riết cũng quen, chỉ tội hai đứa con không được ở cùng mẹ. Bác sĩ bảo tiếng ồn gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, nên tôi phải đưa cháu ra ở cùng ông bà bên ngoài, còn tôi thì chạy qua chạy lại thăm con”, bà Luyến ngậm ngùi nói.
Theo chị Hiền, do nhà chị nằm sát đường vận chuyển của các xe tải chở cát, đá nên nhà lúc nào cũng phải đóng kín cửa, con nít chỉ chơi trong nhà, không dám ra ngoài sân. Mỗi ngày, chị phải quét tới cả chục lần, vậy mà bụi đường vẫn bám vào tận bàn, ghế, đồ ăn, đồ uống.
Những vết nứt trong nhà bà Luyến
Vào mùa mưa còn đỡ, chứ lúc trời nắng, hàng trăm xe tải chạy qua chạy lại kéo lê đất, đá, khói bụi bay mù mịt như sương, tối tăm mặt mũi. Con nít mỗi lần đi học phải che kín mặt, mặc áo khoác kín người mới dám bước ra ngoài.
Cùng với khói bụi, hoạt động nổ mìn khai thác là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với các hộ dân. Gần như ngày nào cũng có tiếng mìn, mà toàn nhằm giấc ngủ trưa để nổ. Cả gia đình bà Luyến đang ăn cơm thì nghe tiếng “đùng”, người giật bắn, con nít sợ quá khóc thét, chén cơm đang ăn cũng đổ xấp. Nhiều lúc thiu thiu nằm nghe tiếng mìn nổ như trời sập, muốn rớt tim, nhà cửa cứ rung bần bật như động đất.
Dẫn chúng tôi xem các vết nứt trong nhà, bà Luyến cho biết: “Anh cứ kiểm tra các nhà sống ở đây xem, nhà nào cũng bị nứt toác như thế này”. Hiện nhà bà Luyến có đường nứt chạy dọc từ móng nhà cho tới tận mái. Nhà chị Hiền mới làm được 1 năm nay cũng đã bị rạn chân chim ở các góc tường.
Theo ông Trần Đình Ơn, Chủ tịch UBND xã Châu Pha, trên địa bàn xã hiện có 18 công ty, xí nghiệp sản xuất đá, gạch, nhựa đường, tập trung nhiều ở các 2 thôn Tân Châu và Tân Trung. Các công ty khai thác đều đã được cấp giấy phép khái thác. Địa phương đã yêu cầu ngưng hoạt động nổ mìn khai thác của một số đơn vị không đảm bảo yêu cầu. |