Nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm chè
14:48 - 05/08/2016
Là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, nhưng 90% sản phẩm chè của Việt Nam được xuất dưới dạng thô, với giá bán chỉ bằng 70% đến 75% so với các nước. Ngành chè đang phải đối mặt với nguy cơ mất thị trường nếu không xây dựng được thương hiệu và bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Nông dân huyện Yên Bình (Yên Bái) thu hoạch chè bằng máy, giúp giảm sức lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Chất lượng bị thả nổi

Theo đánh giá của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, hiện nay, thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam đã bao gồm hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tổng lượng chè xuất khẩu năm 2015 của cả nước chỉ đạt 125 nghìn tấn, trị giá 213 triệu USD, giảm 5,8% về lượng và 6,6% về giá trị so với năm 2014.

Trong khi kim ngạch xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng thì có đến 160 đơn vị và cá nhân tham gia xuất khẩu, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán làm rối loạn thị trường chè, không kiểm soát được chất lượng, ATTP. Với 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp và hàng chục nghìn lò chè thủ công ở khắp các vùng trồng chè như hiện nay, số lượng nguyên liệu cần sẽ phải nhiều gần gấp đôi sản lượng hiện có. Khi cầu lớn hơn cung, nhiều cơ sở chế biến chè không quan tâm đến việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), mà ồ ạt mua để có đủ nguyên liệu sản xuất, bất chấp tác hại của thực phẩm “bẩn”. Tình trạng chè Việt xuất khẩu dưới dạng “bao tải” và núp bóng thương hiệu của các nhà nhập khẩu, với giá bán chỉ bằng 70% - 75% so với các nước không phải là hiếm trong những chuyến tàu chở hàng xuất ngoại. Hậu quả là nhiều lô hàng chè của Việt Nam khi xuất khẩu bị đối tác trả về nơi xuất phát, khiến doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép. Đơn cử, từ năm 2015 đến nay, các nhà nhập khẩu của Đài Loan (Trung Quốc) cảnh báo tổng cộng 35 lô hàng chè Việt Nam bị phát hiện tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Sự việc này khiến chè Việt chịu tai tiếng và tổn thất nặng nề.

Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quý Dương cho rằng, trong quá trình sản xuất chè, nông dân là người trực tiếp canh tác và phun thuốc BVTV. Đáng báo động là có tới 49% số nông dân các vùng trồng chè sử dụng thuốc với nồng độ cao hơn hướng dẫn, 64% số nông dân sử dụng hỗn hợp hai loại thuốc khi phun và có 14% số nông dân trộn ba loại thuốc khi phun trong khi bà con không hề biết việc phối trộn này sẽ làm tăng nồng độ thuốc lên nhiều lần. Gần 50% số nông dân phun trên bảy lần/vụ, có hộ phun tới bốn lần/tháng, gây lãng phí trong sử dụng thuốc, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn tới thiên địch (là các sinh vật được sử dụng để diệt trừ các sinh vật có hại) và mất ATTP cho sản phẩm chè. Ngoài ra, nhiều hộ còn tùy tiện sử dụng thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng trên cây chè. Trong khi mất vệ sinh ATTP do sử dụng thuốc BVTV đang là vấn đề nhức nhối của xã hội thì số lượng cán bộ làm công tác thanh tra, quản lý thuốc BVTV rất hạn chế, trung bình một cán bộ quản lý hơn 70 cửa hàng đại lý kinh doanh thuốc BVTV.

Phải chăng, việc thả nổi chất lượng chè cũng là một trong những lý do nhiều năm qua giá chè vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí nhiều thời điểm giá bán năm sau còn thấp hơn năm trước. Lão nông Mai Viết Khánh ở xóm Khuôn 2, xã Phúc Trìu (TP Thái Nguyên) than thở: Ngót nghét chục năm nay giá chè vẫn chỉ dao động từ 150 đến 250 nghìn đồng/kg.

Chè sạch bí đầu ra

Trong bối cảnh các nước, các đơn vị nhập khẩu ngày càng kiểm soát chặt chẽ vệ sinh ATTP thì việc triển khai các mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt), có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng là điều hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, việc phát triển chè theo các tiêu chuẩn của GAP hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do một số vùng diện tích trồng chè manh mún, gặp nhiều hạn chế trong công tác hướng dẫn thực hiện theo đúng quy trình sản xuất. Người tiêu dùng chưa tin tưởng hoàn toàn các sản phẩm GAP. Cả cơ quan chức năng và người sản xuất chưa định hướng chính xác về nhu cầu, số lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phần lớn các doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc, chưa có sự liên kết, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Trong khi đó, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại không đến được với người trồng chè.

Trao đổi với chúng tôi, lão nông Mai Viết Khánh cho biết, năm 2012, cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên vận động người dân xã Phúc Trìu trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhà nhà hy vọng đây sẽ là một cú huých phá thế giá "đi ngang" của sản phẩm chè suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, đến khi xuất bán giá chè được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP không có sự chênh lệch so với chè trồng đại trà. Thậm chí, giá bán chè sản xuất theo hướng VietGAP còn thấp hơn so với cách làm truyền thống vì mẫu mã sản phẩm xấu. Do vậy, người dân không mấy mặn mà khi tham gia sản xuất VietGAP. Đây là thực trạng chung ở nhiều địa phương chứ không chỉ riêng ở Thái Nguyên.

Để khắc phục tình trạng chè VietGAP bí đầu ra, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Hữu Tài cho rằng, cùng với việc sản xuất chè theo hướng an toàn, các doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu của ngành chè trên cơ sở phân tích, đánh giá dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm dựa trên sức mua, thị hiếu, biến động thị trường, rào cản thương mại. Mỗi doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu phải ý thức được trách nhiệm xây dựng, giữ gìn danh dự quốc gia để sản phẩm chè Việt được người tiêu dùng trên thế giới coi trọng. Từ đó mới có cơ sở nâng cao giá bán.

Gỡ khó cho ngành chè

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả (Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian qua, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chè an toàn nhưng phần lớn các chính sách phân tán ở nhiều văn bản khác nhau, chưa đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, người sản xuất khó tiếp cận, thụ hưởng các chính sách. Cụ thể, hiện nay việc quy định hỗ trợ không quá 50% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư xây dựng cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế… theo yêu cầu VietGAP là chưa khả thi vì tổng kinh phí đầu tư xây dựng là rất lớn. Tại hầu hết các địa phương người sản xuất không có khả năng bỏ ra 50% vốn đối ứng. Do vậy, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, việc “phủ sóng” chè VietGAP trên toàn quốc là điều rất xa vời.

Đối với những vùng đủ điều kiện để sản xuất theo hướng VietGAP, do không có hỗ trợ về kinh phí đánh giá giám sát, tái chứng nhận nên việc duy trì, phát triển chè theo các tiêu chuẩn GAP gặp nhiều khó khăn. Bà Mai Thị Mầu, ở xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương bức xúc: "Theo quy định hiện nay giấy chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn một năm. Trong khi đó, thủ tục cấp giấy chứng nhận rườm rà, nhiều tiêu chí không phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, hằng năm chúng tôi phải bỏ kinh phí, thời gian theo học các lớp tập huấn mà có khi mất tới nửa năm mới nhận được giấy chứng nhận. Cá biệt, có nhà nhận được giấy chứng nhận mà thời gian sử dụng chỉ còn hơn một tháng. Dù là sản phẩm có giấy chứng nhận nhưng hầu hết người tiêu dùng chưa công nhận chất lượng của các sản phẩm VietGAP do người nông dân làm ra, giá bán chưa có sự thay đổi. Vì vậy, trong thời gian “vận động” sự tín nhiệm của thị trường, chúng tôi hy vọng các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ đồng bộ, tăng cường kiểm tra và chịu trách nhiệm về sự giám sát của mình để người tiêu dùng yên tâm đã có giấy chứng nhận VietGAP thì sản phẩm đó là sạch, bảo đảm hoàn toàn về chất lượng".

Trước thực trạng sản xuất chè hiện nay, ông Phan Huy Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh: Để khuyến khích người dân tham gia sản xuất chè an toàn, Nhà nước cần giảm các tiêu chí VietGAP không phù hợp, kéo dài thời gian có hiệu lực chứng nhận VietGAP. Cùng với khuyến khích đầu vào, cần tăng cường hỗ trợ đầu ra để bà con yên tâm với sản xuất VietGAP. Đồng thời, siết chặt quản lý cơ sở chế biến. Cơ sở nào không có vùng nguyên liệu thì dứt khoát không cho chế biến.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần kiểm soát việc tuân thủ quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có quy định về kinh doanh thuốc BVTV theo hướng nếu phát hiện cơ sở kinh doanh bán loại thuốc BVTV ngoài danh mục sẽ xử lý nặng. Song song với đó là việc nâng cao nhận thức của người dân, công khai các loại thuốc BVTV được sử dụng trên chè một cách rộng rãi và dễ hiểu để bà con dễ nhớ và không mua phải các loại thuốc không an toàn.

Nguồn: Nhân dân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo