Diện tích mía giảm, giá đường tăng cao
14:44 - 05/08/2016
Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết vụ sản xuất mía đường 2015-2016.
 


Theo Bộ NN&PTNT, diện tích mía cả nước năm 2015 đạt hơn 284 nghìn ha, giảm 22 nghìn ha so với năm trước. Cùng với đó, năng suất mía bình quân chỉ đạt 64,4 tấn/ha, giảm 0,9 tấn/ha so với năm trước. Sản lượng mía của cả nước đạt 18,3 triệu tấn và giảm 8%. Hiện toàn bộ mía nguyên liệu ở các vùng đã được mua hết đưa vào chế biến, tổng sản lượng mía nguyên liệu các nhà máy đã mua là hơn 12,93 triệu tấn, giảm 1,5 triệu tấn (10%) so với vụ trước. Về chất lượng, chữ đường bình quân của mía đưa vào nhà máy chế biến cả nước ở mức trên 9,64 CCS, thấp hơn so với vụ trước gần 0,56 CCS.

Hiện cả nước có 41 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất thiết kế là 150,5 nghìn tấn mía/ngày. Sản lượng đường sản xuất được là hơn 1,23 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 700 nghìn tấn. So với vụ trước, công suất thiết kế của các nhà máy đường tăng nhẹ, sản lượng đường giảm 180.500 tấn (12,73%) và đây là năm thứ hai liên tiếp giảm sản lượng đường.

Trong vụ sản xuất 2015-2016, giá mua mía (loại 10 CCS) tại ruộng khoảng từ 850.000 - 950.000 đồng/ tấn, tăng so với vụ trước khoảng 100.000 đến 150.000 đồng/tấn. Giá mía này góp phần làm lợi nhuận của người trồng mía được cải thiện, bù đắp phần nào tổn thất do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong sáu tháng đầu năm 2016, lượng đường tồn tại kho các nhà máy là 416 nghìn tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước là 26.5 nghìn tấn. Tổng lượng đường các nhà máy bán ra là hơn 821 nghìn tấn, giảm hơn 200 nghìn tấn so năm cùng kỳ.

Theo Bộ NN&PTNN, giá đường vụ 2015-2016 có biến động phức tạp, đầu vụ giá bán đường trắng loại I (đã có VAT) tại kho dao động từ 13.600 - 14.500 đồng/kg, giữa vụ 14.500- 15.500 đồng/kg, cuối vụ 15.500 - 16.500 đồng/kg. Cá biệt có một số loại đường RE cao cấp (đường hạt nhuyễn) giá ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg và chỉ một số ít nhà máy có thể đáp ứng được. So với vụ trước, hiện tại giá đường tăng phổ biến khoảng 3.500 -4.500 đồng/kg.

Giải thích nguyên nhân giá đường tăng, đại diện Bộ NN&PTNN cho biết, do thiếu hụt mía nguyên liệu, dẫn tới giảm sản lượng giảm; cùng với đó là do giá cả đầu vào như nguyên liệu mía, vật tư nông nghiệp, chi phí hỗ trợ nông dân, nhân công, tỷ giá USD.. tăng dẫn đến giá thành đường tăng; giá đường thế giới tăng tác động đến tâm lý tới thị trường trong nước, tình trạng đường nhập lậu đã hạn chế... Mặt khác, không loại trừ nguyên nhân có sự găm hàng của một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thương mại.
Trước tình hình nguồn cung giảm và giá đường tăng cao, Bộ Công thương đã ban hành thông tư 09/2016/TT-BCT ngày 1/7/2016 quy định bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016. Mặt khác, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đang có kế hoạch kiểm tra tình hình tồn kho của các doanh nghiệp để xác minh có hay không việc đầu cơ tích trữ đường.
Niên vụ 2016-2017 tình hình cung cầu và giá đường trong nước dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng trong bối cảnh dự báo thế giới sẽ tiếp tục thiếu hụt đường, chủ yếu do hiện tượng El Nino gây thiệt hại cho trồng trọt. Vì vậy, các địa phương cũng như các doanh nghiệp mía đường cần có sự đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển vùng nguyên liệu nhằm tăng năng suất, chất lượng tối thiểu 10% so với hiện nay để đáp ứng nhu cầu đường trong nước.
Các doanh nghiệp cần tập trung phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho nhà máy, từ đó rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ cho nông dân, hướng đến mục tiêu tăng sản lượng và chữ đường trong bối cảnh diện tích mía không tăng. Đồng thời, thực hiện các biện pháp đồng bộ để tổ chức tốt công tác thu hoạch, có lịch thu hoạch và vận tải phù hợp để múa thu hoạch xong được chuyển nhanh vào ép, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Nguồn: Nhân dân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo