Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thì cá nhân, hộ nông dân cư trú tại địa bàn nông thôn được vay tín chấp đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, hàng nghìn hộ nông dân Yên Bái đang gặp vướng mắc trong việc vay vốn ngân hàng, bởi lý do: đang nợ xấu từ dự án cây cà-phê catimo với số tiền hai tỷ 510 triệu đồng tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái; và đều trở thành khách hàng loại C.
|
Nông dân xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên chuyển đổi diện tích trồng cà-phê catimo kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả cao. |
Vụ việc nêu trên là hệ quả của chương trình phát triển cây cà-phê catimo do tỉnh Yên Bái khởi xướng từ năm 1996, với kỳ vọng là cây "xóa đói, giảm nghèo" đem lại sự no ấm cho nông dân trong tỉnh. Với cách làm dự án theo phong trào, có sự bảo lãnh từ phía ngân hàng, người dân chỉ ký nhận cây giống, phân bón với chủ dự án; không nhận tiền trực tiếp từ ngân hàng, trong đó mỗi đảng viên phải trồng ít nhất 200 cây cà-phê catimo trở lên. Trong một thời gian ngắn, hàng chục tỷ đồng vốn ngân hàng được giải ngân. Người dân phá bỏ vườn tạp, chuyển đổi diện tích các cây trồng trước đó chưa hiệu quả, "đào gốc bốc trà" dọn thực bì làm dự án. Hàng nghìn ha cây cà-phê đã được trồng trên đất dốc, trên đất vườn quanh nhà nông dân. Nhưng đến kỳ thu hoạch, quả cà-phê không đạt yêu cầu, hạt lép, không đều, năng suất thấp, khiến người dân bỏ mặc theo thời gian. Nông dân trong tỉnh Yên Bái chán ngán và đặt hò vè về các loại cây theo dự án đã và đang triển khai không hiệu quả ở tỉnh (gồm cây sở, cây sả, cây cà-phê) là "Khổ về sở, dở về sả, vất vả vì cà-phê".
Trong ngôi nhà lợp cọ, tường trát đất ở thôn 3, xã Văn Lãnh, huyện Yên Bình, ông Vũ Tiến Nam, 74 tuổi, bỏ dở việc đẽo thân xoan vườn nhà làm xà gồ để rót nước mời khách. Khi được hỏi về khoản tiền 762.000 đồng nợ từ năm 1996 đến nay chưa trả ngân hàng, ông Nam đập phành phạch chiếc quạt cọ như đuổi cái nóng, cái tức trong người bảo: Ối! Cái cây catimo ấy thu hái chẳng được gì mà lại làm khổ gia đình tôi và các nhà trồng nó. Tôi được xã vận động trồng một sào quanh vườn nhà, bỏ nhiều công chăm bón nhưng khi thu vụ đầu bán quả tươi được 200 đồng/kg, vụ sau không ai đến thu mua nữa, thế là trắng tay. Còn tiền nợ thì chúng tôi chỉ được ký nhận trên giấy với chủ dự án cà-phê lúc đó là Công ty Chè Văn Hưng, bởi ngân hàng giải ngân qua Ban quản lý dự án mua giống, phân bón, nông dân chúng tôi giờ lại mắc nợ ngân hàng. Mong muốn của chúng tôi là khoản nợ này cần sớm được xóa, bởi dự án cà-phê này "chết" đến hơn 10 năm rồi còn gì!
Tương tự, anh Nguyễn Đình Thuyết ở thôn Hợp Thịnh, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình cũng vất vả khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để trồng rừng sản xuất, do còn khoản nợ xấu 1,91 triệu đồng từ dự án cà-phê từ năm 1996. Ngày ấy, xác định đây là cây mũi nhọn, cho nên đảng viên Thuyết dọn bỏ vườn tạp, cuốc hố, lót phân đưa 500 gốc cà-phê catimo trồng trên đất vườn. Sau ba năm chăm sóc, cây cho quả, nhưng chín không đều, hạt lép hoặc không có nhân, dần dần anh Thuyết đành bỏ diện tích cà-phê trên, dù biết còn nợ tiền dự án. Anh Thuyết nói: Biết cà-phê đắng, vậy mà chúng tôi là người trồng nó lại không được uống, lại còn trở thành con nợ của ngân hàng, buồn lắm!
Về phía Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, từ hơn 40 tỷ đồng nợ xấu, sau nhiều lần cùng UBND tỉnh phối hợp xử lý nợ xấu của dự án cà-phê catimo, đến nay vẫn còn "treo" một khoản nợ xấu, khó đòi hơn 2,5 tỷ đồng. Cụ thể, huyện Yên Bình 1,41 tỷ đồng, huyện Văn Yên 542 triệu đồng, huyện Trấn Yên 359 triệu đồng, thị xã Nghĩa Lộ 63 triệu đồng... Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Minh Hải, Trưởng phòng Nguồn vốn và Kế hoạch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Đây là khoản nông dân vay theo ủy thác đầu tư của chính quyền địa phương. Trên cơ sở Luật các tổ chức tín dụng, UBND tỉnh ra quy chế cho vay trồng cây cà-phê, nhưng không trích lập dự phòng và xử lý rủi ro, cho nên hiện tại không có cơ chế xử lý rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện có gần hai nghìn hộ nông dân đang "treo nợ" kéo dài hơn 10 năm nay; hộ ít là vài chục nghìn đồng, hộ nhiều như bà Nguyễn Thị Muôn ở xã Bảo Ái, huyện Yên Bình là 60 triệu đồng... Muốn xử lý khoản nợ xấu này, cần một giải pháp kịp thời, đồng bộ, đồng thuận giữa chính quyền địa phương và ngân hàng.
Khoản nợ xấu bị treo như hiện tại ảnh hưởng đến việc xét thi đua, cách tính thu nhập của cán bộ, viên chức và người lao động các chi nhánh ngân hàng; đồng thời các hộ nông dân đang bị liệt vào diện khách hàng loại C vì nợ xấu khó đòi, khó tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng. UBND tỉnh Yên Bái cần sớm xem xét việc trích quỹ dự phòng, phối hợp với chi nhánh ngân hàng xử lý rủi ro khoản nợ xấu trên, giúp nông dân tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo Nghị định 55 của Chính phủ.