Diện tích và dịch bệnh thanh long ở Tiền Giang cùng gia tăng
15:04 - 04/08/2016
Trong khi người dân than vắn, thở dài vì không có thuốc chữa bệnh đốm nâu thì diện tích trồng thanh long trên địa bàn hai tỉnh Tiền Giang, Long An vẫn không ngừng được mở rộng.
Nhiều nhà vườn mua đủ loại thuốc BVTV nhằm cứu vườn thanh long bị bệnh đốm nâu

Mùa mưa đến cũng là lúc dịch bệnh đốm nâu trên cây thanh long bùng phát trên diện rộng. 

Về các xã chuyên canh trồng cây thanh long ở các huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), Châu Thành (Long An), đến nhà vườn nào chúng tôi cũng nghe nông dân than thở dịch bệnh năm nay quá nhiều và diễn biến ngày càng phức tạp. Mặc dù họ đã dùng nhiều cách phòng và trị nhưng hiệu quả không cao.

Ông Nguyễn Mai, ấp Tân Bình 2, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, cho biết, gia đình ông trồng 5 công thanh long ruột trắng hiện 8 năm tuổi, đang bị nhiễm bệnh đốm nâu trên 50%. Thời gian qua, vườn thanh long của ông liên tục bị dịch bệnh hoành hành, hết bệnh thán thư đến đốm nâu; rồi bị vàng, cháy cành ở đầu trụ.

Theo ông Mai, cứ đến mùa mưa là bệnh đốm nâu (hay đốm trắng) lại bùng phát dữ dội, hầu như nhà vườn nào cũng bị nhiễm bệnh, chủ yếu là ít hay nhiều mà thôi. Biểu hiện bệnh ban đầu là nổi những đốm trắng nhỏ trên thân và trái, sau đó to dần và lan rộng ra làm cho thân chuyển sang màu vàng và trái sần sùi.

Đặc biệt 2 tuần trở lại đây, do mưa nhiều nên bệnh phát triển mỗi lúc càng mạnh. Những nhà vườn nào trồng thanh long ruột đỏ, bán được giá cao, nông dân chịu bỏ vốn mạnh chăm sóc, phun thuốc trị bệnh thì tỷ lệ bệnh thấp, còn nhà vườn nào trồng ruột trắng, trúng đợt giá thấp vừa rồi lơ là chăm sóc nên tỷ lệ bệnh rất cao, trên 70%.

Gia đình đã thuê công lao động phun nhiều loại thuốc, cắt bỏ những cành nhiễm bệnh. Nghe loại thuốc nào hay là chạy đi mua về phun ngay, nhưng vẫn không thuyên giảm. Đến mùa thu hoạch, thanh long của gia đình bị thương lái loại bỏ 3/5 số lượng. Bệnh ngày càng lây lan nhanh, trồng thua lỗ nên gia đình ông đang tính chặt bỏ một số diện tích già cỗi để chuẩn bị trồng lại.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay diện tích thanh long bị nhiễm bệnh thán thư khoảng 150 ha, tỷ lệ bệnh từ 3 - 5%. Bệnh thối cành khoảng 200 ha, tỷ lệ bệnh 5 - 10%. Bệnh đốm nâu, diện tích nhiễm bệnh khoảng 400 ha, tỷ lệ bệnh từ 5 - 10% là hơn 200 ha, tỷ lệ bệnh từ 11 – 30% là 100 ha.

Bên cạnh đó, một số diện tích thanh long bị vàng, cháy cành ở đầu trụ (cháy nắng) do nắng nóng kéo dài, bức xạ mặt trời mạnh như: Thanh long dưới 5 năm tuổi chiếm khoảng 40% diện tích, thanh long trên 5 năm tuổi chiếm khoảng 60% diện tích.

Cách đó không xa, tại huyện Châu Thành (Long An), hàng ngàn nông dân trong huyện cũng kêu than vì dịch bệnh đốm nâu bùng phát. Xã Long Trì (Châu Thành, Long An) là địa phương có diện tích trồng thanh long nhất nhì tỉnh. Đến đâu, nông dân cũng than: Bây giờ trồng thanh long sao khó “ăn” quá! Dịch bệnh xảy ra liên miên và rộng khắp. Chi phí sản xuất ngày một tăng cao, trong khi thu nhập ngày dần đi xuống.

Anh Trần Quang Hải, ấp Long Thuận, vừa đốn bỏ 500 trụ thanh long ruột trắng bị đốm nâu để chuyển sang trồng mới bằng loại ruột đỏ. Anh Hải cho biết, trồng thanh long lúc đầu mới có “ăn”, chứ bây giờ nhà nhà đều trồng, dịch bệnh tràn lan; không có loại thuốc đặc trị. Mỗi tuần, gia đình phải tốn từ 400.000 - 500.000 đồng tiền thuốc phun xịt, bệnh cũng không hết. Đến khi bán, giá cả quá thấp, nhiều lúc không có lãi là chuyện thường.

Bà Lê Thị Điểu, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Châu Thành cho biết: Do đang bước vào mùa mưa nên nhiều diện tích thanh long trên địa bàn huyện bị dịch bệnh đốm nâu tấn công. Hiện toàn huyện có 443ha thanh long bị bệnh đốm nâu. Trong đó có 439ha bị bệnh từ 1 đến 5%, tỷ lệ bệnh trên cành chiếm khoảng 13% và trên trái 5%.

Bệnh này xuất hiện và bùng phát mạnh tại xã Long Trì, sau đó lan nhanh ra các địa phương khác và chưa có thuốc trị. Triệu chứng ban đầu là những chấm trắng nhỏ tròn và hơi lõm xuống, sau đó chuyển sang màu nâu đỏ, liên kết lại thành từng vùng rộng. Bệnh tấn công trên cành non và trái sắp thu hoạch, gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng trái. Những vườn bón phân gà tươi và bón phân có hàm lượng đạm cao để thúc cành thì bệnh gây hại nặng hơn.

Để phát triển thanh long bền vững, Trạm BVTV huyện Châu Thành khuyến cáo nông dân cần canh tác cây thanh long đúng quy trình kỹ thuật như: Chọn giống tốt, chăm sóc tỉa cành, bón phân đúng liều lượng theo từng độ tuổi, vệ sinh vườn trồng, thu gom cành cắt tỉa, thực hiện tốt biện pháp IPM - phòng trừ dịch hại tổng hợp.

Bệnh thán thư có quanh năm. Bệnh đốm nâu cũng được ngành chức năng quan tâm vì đầu mùa mưa thì bệnh này thường phát triển. Riêng bệnh vàng, cháy cành ở đầu trụ do nắng gắt nên khi mưa xuống thì diện tích này giảm xuống. Trạm BVTV cũng có khuyến cáo người dân phủ rơm lên đầu trụ để tránh ánh nắng gay gắt trực tiếp chiếu vào. Hiện nay, các loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị mà chỉ phòng ngừa.

Được biết, hiện huyện Chợ Gạo có khoảng 5.000 ha thanh long, tập trung ở các xã: Quơn Long, Tân Bình Thạnh, Mỹ Tịnh An, Đăng Hưng Phước, Thanh Bình… Ngành chức năng đang tính đến phương án tăng lên 7.000 ha vào năm 2020, thậm chí 10.000 ha (nếu có thể).

Trong khi đó, huyện Châu Thành (Long An) diện tích trồng thanh long đã lên đến hơn 7.000 ha. Với tình hình này, nếu diện tích ngày một tăng, không có thuốc đặc trị các loại bệnh và thiếu kiểm soát thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng là điều khó tránh khỏi.

 

THANH SA
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo