(TNNN) - Thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực xây dựng chuỗi sản xuất nông sản an toàn nhằm giúp nông dân từ khâu sản xuất tới tiêu thụ, mục tiêu là đưa ra thị trường sản phẩm an toàn. Mô hình này đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, nhưng quá trình xây dựng chuỗi vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
|
Tập trung nâng cao hiểu biết về ứng dụng khoa học kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thế hệ mới vào sản xuất cho các hộ dân sản xuất rau an toàn. |
So với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam quá dài và phức tạp nên khó kiểm soát, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, tỷ lệ nông sản xuất khẩu bị trả về cao hơn…
Đến nay, cả nước có gần 16.800ha rau áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn nhưng chưa được chứng nhận. Tình trạng này khiến ngành sản xuất rau còn gặp nhiều khó khăn và việc tìm giải pháp phát triển theo hướng rau an toàn VietGAP là điều mà nhiều người quan tâm.
Hiện, một trong những khó khăn khi đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh sản phẩm nông nghiệp nói chung và rau quả an toàn nói riêng chính là tiếp cận nguồn vốn vay ngắn và dài hạn.
Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi, chỉ cần xây dựng được một điểm tập kết hàng hóa chung với hệ thống máy móc sơ chế, bảo quản… cũng tiêu tốn nhiều tỷ đồng. Doanh nghiệp hay nông dân muốn vay ngân hàng phải có tài sản thế chấp, trong khi điều kiện về tài sản thế chấp lại đang là "nút thắt" gây khó khăn.
Ngoài vốn, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cũng như tạo dựng, duy trì mối liên kết với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất nông sản an toàn. Thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nhưng để từng người dân được hưởng thụ lợi ích của các chính sách này đòi hỏi sự chủ động vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương mới cho hiệu quả.
Đặc biệt là doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất lâu dài để doanh nghiệp có tài sản định giá vay vốn. Trong chuỗi sản xuất nông sản an toàn, các địa phương mới thể hiện được vai trò đầu mối, còn doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng hộ dân. Vì vậy, vai trò của HTX rất quan trọng, nhưng hiện nay các HTX đứng ra thu mua nông sản còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu địa phương đứng ra huy động bà con làm nông sản sạch thì doanh nghiệp sẽ có một đầu mối bảo đảm nguồn hàng để tiêu thụ.…
Với những khó khăn đó, việc tìm giải pháp để tạo điều kiện cho chuỗi sản xuất nông sản an toàn phát triển là vấn đề quan trọng hiện nay nhằm trả về chất lượng thực sự, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhà sản xuất và nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng.
Muốn phát triển chuỗi nông sản an toàn trước hết phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Luật an toàn thực phẩm. Cần quy hoạch các vùng sản xuất chuỗi nông sản an toàn tập trung và ổn định, đảm bảo đủ sản lượng =cung cấp cho nhu cầu của thị trường; xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chi phí phân tích mẫu và chi phí chứng nhận VietGAP và chi phí xúc tiến thương mại cho nông dân.
Thêm vào đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia chuỗi giá trị; hỗ trợ các tổ, nhóm liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống, vốn, kết nối thị trường tiêu thụ.
Để chuỗi sản xuất nông sản an toàn đạt chất lượng, người trồng rau phải được nâng cao hiểu biết về ứng dụng khoa học kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thế hệ mới vào sản xuất, nắm rõ thời gian cách ly ngắn đối với sản phẩm khi thu hoạch để đảm bảo chất lượng nông sản.