Ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp
12:56 - 08/07/2016
Tại khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (AHTP), Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Công ty Global Cyber Soft Vietnam (GCS) vừa tổ chức buổi hội thảo giới thiệu về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp - SmartAgri”. 

Theo nhà sản xuất, SmartAgri là hệ thống phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và  bảo quản theo quy trình chuẩn. Hệ thống được xây dựng từ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc AHTP, phát triển bởi Công ty GCS trên nền tảng các công nghệ mới bao gồm: Vạn vật Internet (IoT), Phân tích dữ liệu lớn (Big data Analytics) và triển khai trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing) của QTSC.
 

Ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban quản lý AHTP cho biết, SmartAgri giúp tự động hóa quy trình quản lý trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản, hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ, thu thập, phân tích thông tin môi trường và điều khiển các thiết bị: Hệ thống tưới, làm mát, đèn chiếu sáng, quạt, màn chắn… để giữ cho môi trường tuân theo đúng quy trình chuẩn. SmartAgri còn có hệ thống cảnh báo qua tin nhắn, e-mail, chuông báo động…

Trồng dưa lưới ứng dụng SmartAgri tại khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh

Việc ứng dụng SmartAgri vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh qua việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tối giản chi phí sản xuất, quản lý quá trình sản xuất tuân theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… hỗ trợ cho việc xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, Nhật, châu Âu… Ứng dụng SmartAgri là giải pháp an toàn vệ sinh thực phẩm và giúp nông dân giảm thiểu được chi phí đầu tư ban đầu so với các hệ thống của các nước đối tác nước ngoài. Đây là bước đột phá của AHTP, QTSC và GCS trong việc phát triển các ứng dụng công nghệ thông phục vụ đời sống, làm chủ nông nghiệp công nghệ cao.
 

Trước đó, tại An Giang, Công ty TNHH ứng dụng Di động Việt Nam (VMA) cũng đã giới thiệu cho 200 nông dân giúp họ tiếp cận với những thông tin thị trường, kỹ thuật cũng như giá cả nông nghiệp cho nông dân trên điện thoại di động, qua đó, giúp nông dân có thể trở thành chuyên gia trên mảnh đất của mình.
 

Theo ông Dương Hoàng Anh Nguyên, Giám đốc VMA, sau gần một năm chuẩn bị và hợp tác một số viện trường như Đại học An Giang, công ty đã đưa ra chương trình “Nông dân hiểu biết” để giới thiệu cho bà con nông dân, chuyên gia. “Nông dân hiểu biết” hiện có ba gói thông tin là gói lúa, gói thuỷ sản với tên gọi là cá tôm lươn, tiếp đến là gói rau màu nhằm cung cấp thông tin về giá cả, dịch vụ nông nghiệp, chính sách nông nghiệp, giá cả các mặt hàng nông sản cũng như tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân và đối tượng trực tiếp hưởng lợi là khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nông dân đang trải nghiệm ứng dụng “Nông dân hiểu biết” trên điện thoại

Theo ông Nguyên, dự kiến vào cuối năm nay, VMA cũng sẽ đưa ra gói chăn nuôi cho khu vực Đông Nam Bộ, nơi có những tỉnh thành có thế mạnh về chăn nuôi như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. “Nông dân hiểu biết được kỳ vọng sẽ tạo cầu nối cho sự hợp tác bốn nhà là nhà nông, nhà băng, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Nguyên chia sẻ.

Ông Châu Văn Ly, Chủ tịch Hội Nông dân An Giang cho biết, trong số 1,7 triệu lao động đang làm trong ngành nông nghiệp của tỉnh và đa phần nông dân sử dụng điện thoại chỉ để nhắn tin, gọi điện thoại mà chưa tận dụng hết công dụng của các loại điện thoại thông minh hiện nay. Ông Ly cũng dẫn chứng, nếu sử dụng các gói trong “Nông dân hiểu biết”, bà con có thể cập nhật và theo dõi giá nông sản không chỉ tại An Giang mà cả những tỉnh thành lân cận, qua đó, sẽ đoán biết được xu hướng giá tăng hay giảm để biết và quyết định bán hàng.
 

“Nông dân hiểu biết” là một app - dịch vụ cài sẵn trên điện thoại thông minh và khi bà con cài đặt là có thể sử dụng. Đây là một chương trình ứng dụng nông nghiệp trên điện thoại thông minh và để bà con nông dân có thể tiếp cận được với dòng điện thoại này, VMA hợp tác với Công ty SamSung và Công cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (Chuỗi hệ thống bán lẻ FPT shop.com.vn) để có chương trình bán trả góp điện thoại cho bà con nông dân. Dự kiến trong thời gian tới, VMA sẽ tìm kiếm các công ty sản xuất điện thoại khác để cùng mở rộng thị trường.

 

Quang Minh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo