Sở NN-PTNT Hà Nội vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch công tác của Ban điều phối năm 2016 và góp ý dự thảo “Quy định tạm thời tiêu chí, yêu cầu đối với sản phẩm rau, thịt tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện chỉ đáp ứng khoảng được 60% nhu cầu thực phẩm cho thành phố còn lại là nhập từ các tỉnh, thành. Việc kiểm soát chất lượng nông sản còn bất cập bởi có đến 80% được tiêu thụ tại các chợ truyền thống, truy xuất nguồn gốc rất khó khăn, chỉ 20% tiêu thụ qua cửa hàng tiện ích, siêu thị.
Chính vì vậy Thủ đô cần một “mẫu số chung” về tiêu chí để có thể tạo ra một “cây gậy” chỉ huy thống nhất và quyền lực vừa đỡ loạn cho thị trường vừa không gây khó dễ cho doanh nghiệp và người sản xuất.
Tại hội nghị, Ban Điều phối chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội đã trình bản dự thảo bộ tiêu chí áp dụng cho các tổ chức, cá nhân,cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm rau, thịt tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Theo đó, sản phẩm từ cơ sở kinh doanh nông sản phải có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ như nơi sản xuất, nơi sơ chế, giết mổ, chế biến; ngày sản xuất hoặc đóng gói. Các sơ sở phải được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nếu đã được chứng nhận GAP hoặc tương đương thì không yêu cầu chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Sau khi nghe hướng dẫn về dự thảo, đại diện Cty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam góp ý cần có quy định rõ hơn về kinh phí lấy mẫu mang đi xét nghiệm, việc kiểm tra này doanh nghiệp có được hỗ trợ của nhà nước hay là phải tự lo? Đối với sản phẩm là thịt gia súc gia cầm từ các tỉnh thành phố khác về, có đầy đủ giấy chứng nhận về thú y, giấy phép vận chuyển thì đến điểm giết mổ, sơ chế đóng gói có cần phải có giấy chứng nhận về giết mổ nữa không?
Đại diện của Cty CP Nông nghiệp GAP kiến nghị cần quy định rõ hơn về việc liên kết sản xuất. Nếu siêu thị có hợp đồng thoả thuận mua bán với một đơn vị sản xuất nông sản an toàn nhưng sản phẩm chưa được cơ quan quản lý kiểm duyệt thì khi mang sản phẩm này ra bán thì công ty sẽ bị xử lý như thế nào?…
Đại diện ngành nông nghiệp của các tỉnh, thành phố tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản về Hà Nội khẳng định, sản phẩm khi tiêu thụ qua kênh này có đầu ra ổn định, giá cả hợp lý. Số lượng nhà cung cấp vì thế đã tăng từ vài chục lên vài trăm đơn vị giúp cho không chỉ người sản xuất hưởng lợi mà doanh thu của các doanh nghiệp cũng tăng.
Tuy nhiên hệ thống này cũng đang có một số hạn chế như: Thiếu sự gắn kết trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng; việc kết nối, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối còn gặp khó khăn. Hiện tại phần lớn các sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng của các địa phương là từ những doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình sản xuất nên chưa đảm bảo các tiêu chí về mẫu mã, bao bì, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… để đáp ứng yêu cầu và điều kiện tham vào hệ thống phân phối hiện đại nhà hàng, siêu thị.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) góp ý, khi ban hành một quyết định hay một thông tư cần nghiên cứu thể thức văn bản, các quy định pháp luật liên quan để ban hành đúng đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, có tính thực tiễn. Cần có quy định rõ hơn về thanh tra, kiểm tra, quyền, nghĩa vụ của cơ quan kiểm tra và có đủ chế tài xử lý các vụ việc.
"Bộ NN-PTNT cũng đang nghiên cứu, kiến nghị quy định về tất cả các sản phẩm lưu thông trên địa bàn cả nước phải được quản lý chất lượng ở từng khâu, từng cơ sở sản xuất, kinh doanh… Mỗi bộ, ngành phải quản lý chặt chẽ về điều kiện kinh doanh của các mặt hàng, lĩnh vực doanh nghiệp mình quản lý...", ông Vân nhấn mạnh.