Các tỉnh ĐBSCL đang nỗ lực tăng diện tích gieo sạ lúa TĐ nhằm bù đắp sản lượng bị sụt giảm do thiên tai hạn, mặn gây ra trong vụ đông xuân ĐX và HT trước đó.
|
Nông dân Kiên Giang cấy dặm lúa TĐ |
Từ đầu tháng 6, nông dân các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành (Kiên Giang) đã bắt tay làm đất để chuẩn bị xuống giống lúa TĐ. Đây là vụ lúa gieo sạ vào mùa mưa nên nguồn nước tưới khá thuận lợi và thu hoạch vào đầu mùa đông khi mùa nước nổi bắt đầu đổ về ĐBSCL. Do đó, làm vụ lúa này nông dân không lo thiếu nước tưới hay bị mặn tấn công. Vụ TĐ cho chất lượng lúa gạo tốt, thị trường tiêu thụ thường thuận lợi nên nông dân kỳ vọng rất nhiều vào vụ này và mạnh dạn đầu tư.
GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm cho biết, do gặp phải thiên tai hạn, mặn lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề cho vụ lúa mùa (chủ yếu trên nền đất nuôi tôm) và ĐX 2015 - 2016 của tỉnh, làm hàng chục ngàn ha lúa bị chết khô, kéo năng suất, sản lượng lúa của một số vùng sụt giảm mạnh.
Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường đầu tư, mở rộng tối đa diện tích lúa TĐ nhằm đảm bảo sản lượng lương thực trong năm (4,698 triệu tấn) theo kế hoạch đã đề ra.
Nếu như những năm trước đây, diện tích lúa TĐ của tỉnh chỉ khoảng 80.000ha, thì năm nay kế hoạch đã tăng lên 112.000ha, phấn đấu đạt 120.000ha càng tốt. Theo đó, khung mùa vụ sẽ gieo sạ tập trung làm 2 đợt. Đợt 1 từ 10/6 - 30/6, tập trung ở vùng tây sông Hậu và tứ giác Long Xuyên. Đợt 2 từ 10/7 - 25/7, diện tích còn lại vùng tây sông Hậu, một phần huyện Gò Quao và vùng U Minh Thượng. Đến nay, nông dân trong tỉnh đã xuống giống được khoảng 59.000ha lúa TĐ, trong đó Giồng Riềng 31.029ha, Tân Hiệp 21.375ha, còn lại là Châu Thành.
Cơ cấu giống lúa gồm các giống chất lượng cao, đạt têu chuẩn xuất khẩu, kháng sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn 85 - 95 ngày, phù hợp cho từng vùng sinh thái, gồm OM 5451, OM 2517, OM 6976, OM 4900, OM 9577, GKG 1, Jasmine 85… (giống chủ lực cho vùng tây sông Hậu và tứ giác Long Xuyên). Đối với vùng ven biển, nên chọn các giống chịu mặn tương đối như GKG 1, OM 2517, OM 5451, OM 4900, OM 6976, ST 5, B-TE1…
Tương tự, tại Hậu Giang, ngành nông nghiệp cũng đang tập trung chỉ đạo xuống giống lúa TĐ, với diện tích cao nhất có thể. Tại huyện Long Mỹ, nhiều diện tích do bị ảnh hưởng của đợt hạn, mặn vừa qua, không có nguồn nước tưới nên nông dân không thể xuống giống lúa vụ HT. Vì vậy, khi có mưa xuống, họ chuyển sang làm vụ TĐ để bù lại.
Ông Lê Văn Đời, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, đến thời điểm này nông dân trong tỉnh đã gieo sạ được 18.570ha lúa TĐ, thời tiết thuận lợi, lúa phát triển tốt. Các địa phương còn lúa HT, thu hoạch đến đâu nông dân tập trung làm đất đến đó, chuẩn bị sẵn sàng làm lúa TĐ.
"Kế hoạch ban đầu là vụ TĐ năm nay toàn tỉnh gieo sạ 42.340ha lúa TĐ, nhưng chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương phấn đấu tăng lên khoảng 55.000ha nhằm bù lại sản lượng lúa bị thiệt hại và diện tích hơn 6.000ha của vụ HT không thể xuống giống vì hạn, mặn", ông Lê Văn Đời nói.