Chủ động các giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2016
Trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành nông nghiệp gặp nhiều bất lợi do phải ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, một số thị trường tiêu thụ nông sản sụt giảm. Những điều kiện này đã tác động không nhỏ đến kết quả hoạt động và thực hiện kế hoạch của toàn ngành.
|
Ngành nông nghiệp tiếp tục phấn đấu khôi phục sản xuất trong những tháng cuối năm 2016 |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 giảm 0,18%, trong đó nông nghiệp giảm 0,78%, lâm nghiệp tăng 5,75%, thủy sản tăng 1,25%. Giá trị sản xuất Nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 397,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Cùng với đó, một số mặt hàng có kim ngạch giảm như sắn giảm 30,6%, cao su giảm 11,9%, gạo giảm 5,9%, chè giảm 2,7%. Đây cũng là lần đầu tiên toàn ngành không có tăng trưởng trong vòng 6 tháng.
Tuy vậy, nhìn nhận chung trong 6 tháng đầu năm, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn nhưng toàn ngành đã đạt được một số kết quả tích cực. Tái cơ cấu ngành tiếp tục được triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực; sản xuất các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp duy trì tăng trưởng khá; tăng trưởng toàn ngành đã được cải thiện ở quý II (quý I/2016 giảm 1,32%). Trong điều kiện thị trường nông sản thế giới giảm sút nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn đạt 15,04 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,32 tỷ USD, tăng 5,1%, tăng ở các mặt hàng: Cà phê (17,6%), hạt điều (11,1%), tiêu (6,6%), rau quả (37,5%). Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,01 tỷ USD, tăng 3,8%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản chính ước đạt 3,32 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2015.
6 tháng đầu năm cũng ghi nhận thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành có bước khởi sắc, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản là 53,1 triệu USD với 8 dự án cấp mới và 8 dự án tăng vốn, tăng 86,5% về vốn đầu tư và 62,5% về số dự án so với cùng kỳ năm trước.
Để khắc phục những khó khăn, tăng tốc độ tăng trưởng, góp phần đóng góp vào GDP của cả nước, từ nay đến cuối năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quyết liệt, tập trung hướng dẫn khôi phục sản xuất đối với các loại cây trồng tại các địa phương chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; chỉ đạo sản xuất tốt vụ lúa Hè Thu, vụ Thu Đông và vụ Mùa trên cả nước.
Tiếp tục tăng sử dụng các giống lúa có chất lượng nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Đồng thời tập trung xây dựng, hoàn thiện Pháp lệnh giống cây trồng sửa đổi; phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo. Đa dạng hóa các cây rau màu theo yêu cầu thị trường; tập trung sản xuất các sản phẩm đang nhập khẩu lớn như ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi trên cơ sở diện tích hiện có và mở rộng diện tích trên đất trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động tưới.
Với ngành chăn nuôi, tập trung chỉ đạo các biện pháp giám sát, chủ động phòng chống dịch bệnh; tiếp tục triển khai Chương trình hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Riêng với ngành thủy sản, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu và kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất. Tăng cường kiểm tra và giám sát thực hiện việc tuân thủ các quy định điều kiện về nuôi; kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào (thức ăn và con giống; chất lượng hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường sử dụng trong nuôi trồng thủy sản).
Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, ngành sẽ tập trung theo dõi sát diễn biến cung, cầu thị trường trong nước và thế giới; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để đảm bảo tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông, thủy sản cho nông dân. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ hỗ trợ nông dân theo hướng hỗ trợ chi phí sản xuất về giống, chi phí bơm, tưới, lãi suất vay ngân hàng,…để tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, nắm rõ tình hình xuất nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản, nghiên cứu kỹ các thị trường lớn để đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích xuất khẩu; đặc biệt trong bối cảnh các hoạt động thương mại tự do đã có hiệu lực và chuẩn bị khi Hiệp định TPP có hiệu lực.
Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế, tiếp tục vận động và kêu gọi các nhà tài trợ tham gia hỗ trợ thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành, các Chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt hỗ trợ hạn hán ở miền Trung - Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở Đồng Bằng sông Cửu LOng. Tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư tại một số thị trường nước ngoài trọng yếu, tham gia các Hội chợ nông sản quốc tế để xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư, tìm thị trường mới để thúc đẩy xuất khẩu rau quả, nông sản, thủy sản./.