Cá chết ở miền Trung là do Formosa xả thải
22:09 - 30/06/2016
Chiều nay (30/6), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 28/6 Formosa đã nhận trách nhiệm về sự cố môi trường gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung vừa qua.
 

Theo Bộ trưởng Dũng, tháng 4 tại 4 tỉnh ven biển miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên - Huế đã xảy ra sự cố hải sản chết bất thường, ảnh hưởng tới an ninh, môi trường, xã hội. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Thủ tướng, các Phó thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời để ổn định đời sống người dân, bước đầu đánh giá thiệt hại về môi trường, đời sống người dân, xác định làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố, có hướng xử lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam huy động trên 100 nhà khoa học đầu ngành của 30 cơ quan trong và ngoài nước, tổ chức thu thập dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, và đã xác định có nguồn thải xuất phát tử khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Đây là nguồn thải lớn nhất ở khu vực Vũng Áng của Hà tĩnh, chứa độc tố tạo thành một dạng phức hợp, di chuyển vào Nam làm hải sản ở tầng đáy biển chết. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với sự tham gia của các chuyên gia. Đoàn phát hiện Công ty TNHH Hưng Nguyên Formosa Hà Tĩnh có vi phạm, dẫn tới xả thải độc tố ra biển có chứa các độc tố Phenol, Xyanua, Hydroxit Sắt vượt quá mức cho phép.

Kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường.icon

Với chứng cứ khoa học khách quan, chính xác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng các bộ, ngành, và 4 địa phương nhiều lần làm việc với Tập đoàn Formosa Đài Loan, công ty mẹ của Formosa Hà Tĩnh. 

Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên, đồng thời cam kết 5 điểm:

1. Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng;

2. Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD);

3. Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra;

4. Phối hợp với các Bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung  bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế;

5. Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hiện tượng cá chết xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết dạt bờ, chủ yếu là loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt.

Trực tiếp thị sát tại Formosa sau khi có hiện tượng cá chết hàng loạt, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa nhận, cơ quan chức năng đã lúng túng, xử lý chậm và không có kinh nghiệm ứng phó với sự cố có tính chất thảm họa. Bộ trưởng cũng thẳng thắn "nhận khuyết điểm" trước sự việc này.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã mời các chuyên gia Đức, Israel, Nhật Bản... vào cuộc để cùng tìm nguyên nhân. Đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham dự của đại diện 7 bộ về việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường tại Formosa được thành lập.

Khẳng định hiện tượng cá chết hàng loạt là thảm họa môi trường nghiêm trọng và quy mô lớn lần đầu xảy ra ở Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều bộ ngành cùng khoảng 100 nhà khoa học trong nước và quốc tế vào cuộc.

Chiều ngày 25/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại miền Trung, báo cáo ngay Thủ tướng biện pháp xử lý nghiêm vi phạm. Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại, đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân.

 

Trong thư gửi cho nhân viên Formosa Hà Tĩnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Formosa (Đài Loan) Trần Nguyên Thành, cho biết: “Theo kết quả điều tra của Đoàn kiểm tra do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam chủ trì, hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung là do có những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra trong quá trình công ty vận hành thử. Mặc dù đây là kết quả chúng ta không mong muốn nhưng Công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ. Công ty đang phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết và khắc phục hậu quả từ sự việc nêu trên. Trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu, nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam".

Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuộc Tập đoàn Formosa của Đài Loan, bắt đầu xây dựng nhà máy tại Khu kinh tế Vũng Áng năm 2008, dự kiến hoàn thành 2017 với tổng vốn đầu tư gần một tỷ USD. Dự án gồm tổ hợp nhà máy sản xuất gang thép từ nguyên liệu thô ban đầu là quặng sắt và than đá thành các sản phẩm gang thép thành phẩm.

Quý I năm nay, Đài Loan đứng vị trí thứ 3 về tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đầu tư vào Việt Nam với 465 triệu USD, sau Hàn Quốc và Singapore.


Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo