Đến năm 2020, các đơn vị, các doanh nghiệp trong nước sẽ cung ứng được tối thiểu 70% lượng hạt giống lúa lai F1 phục vụ nhu cầu SX...
|
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị Sơ kết dự án Phát triển mô hình SX lúa lai F1, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì |
Để Việt Nam có thể nhanh chóng tự chủ nguồn cung hạt giống lúa lai F1 trong nước, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, những mục tiêu cụ thể đến năm 2020 và sẽ “đặt hàng” các doanh nghiệp.
Theo đó, đến năm 2020, các đơn vị, các doanh nghiệp trong nước sẽ cung ứng được tối thiểu 70% lượng hạt giống lúa lai F1 phục vụ nhu cầu SX, với giá thành giảm 15 - 20% so với giá giống nhập khẩu. Đồng thời, phải duy trì, nhân dòng và cung cấp được ít nhất 80% lượng giống bố mẹ phục vụ SX hạt lai F1, với giá thành SX giảm tối thiểu 30% so với hạt giống bố, mẹ lúa lai nhập khẩu.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng nhấn mạnh rằng, nếu các doanh nghiệp, trung tâm và viện nghiên cứu cam kết thực hiện được “đơn đặt hàng” đó, Bộ NN-PTNT sẽ “dốc sức” để tăng cường huy động các nguồn lực để tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị.
Hiệu quả cao nhưng chưa bền vững
Theo TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, dự án “Phát triển mô hình SX hạt giống lúa lai F1 góp phần tăng tỷ lệ hạt giống SX trong nước” sau 3 năm triển khai đã đạt được những thành công trên cả sự mong đợi. Bởi, kết quả của nó đã phục vụ nhu cầu bức thiết nhất của SX lúa.
Chỉ riêng vụ ĐX 2015 - 2016, diện tích SX giống lúa lai F1 trong dự án đã lên tới 720ha, chiếm gần một nửa tổng diện tích SX hạt lai F1, năng suất trung bình ước đạt xấp xỉ 2,9 tấn/ha, giá thành SX thấp hơn khoảng 15 - 20 ngàn đồng/kg so với hạt giống lúa lai nhập khẩu. Như vậy, với sản lượng lúa lai F1 vụ đông xuân ước đạt 4.100 tấn, sẽ tiết kiệm được số tiền khoảng 61 - 82 tỷ đồng/vụ để nhập khẩu hạt giống lú lai F1.
Bên cạnh đó, nguồn giống bố, mẹ do Việt Nam nhân trong nước từ dự án “Duy trì và nhân dòng bố, mẹ lúa lai 2015” (của các tổ hợp: CT16, Bắc ưu 903 KBL, HR182, Nhị ưu 838, TH3-5, VL20) đã gieo cấy được 460ha SX hạt giống lai F1. Đặc biệt, các dòng bố, mẹ nhân trong nước có giá thành và giá bán thấp hơn 25 - 30% so với các dòng nhập khẩu.
Bà Phạm Thị Cằng, GĐ Cty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng chia sẻ, cách đây khoảng 2 thập niên, mỗi năm chúng ta nhập khẩu khoảng 30 - 40 ngàn tấn hạt giống lúa lai của Trung Quốc. Vì không có hạt giống bố, mẹ để SX lúa lai trong nước, nhiều doanh nghiệp phải vượt biên để mua chui, bán lủi, trong số đó có người đã bị bắt. Thế nhưng, đến thời điểm này, lượng giống nhập khẩu từ Trung Quốc vào nước ta không nhiều.
Thắng lợi ở chỗ, chúng ta đã thay đổi cả tư duy và hành động trong SX lúa lai. Ví dụ, ngày trước, cứ nhắc tới việc duy trì, nhân dòng bố, mẹ giống lúa lai là Bộ NN-PTNT lập tức giao cho các trung tâm, các viện nghiên cứu. Địa bàn thực hiện ở những nơi xa lắc xa lơ như Lào Cai, Sơn La. Còn SX giống lúa lai F1 nhất thiết phải theo phương châm “Nam sản, Bắc tiêu”.
"Tuy nhiên, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước để phát triển SX lúa lai F1 cũng như duy trì, nhân dòng bố, mẹ lúa lai đang ngày càng hướng về doanh nghiệp. Bằng chứng là Cty TNHH Nam Dương (Hà Nam); Cty TNHH Cường Tân và Cty chúng tôi đã duy trì và nhân dòng bố, mẹ thành công ngay tại vùng ĐBSH. Và Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam đã trở thành cái nôi của ngành SX hạt lai F1 khu vực phía Bắc chứ không phải các tỉnh phía Nam", bà Cằng cho biết.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
TS Phan Huy Thông thẳng thắn nhận định rằng, có ít doanh nghiệp dám đầu tư SX hạt giống lúa lai F1. Bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn đầy rủi ro. Năng suất, chất lượng phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Với tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường như hiện nay, những nguy cơ gây thiệt hại trong SX là rất lớn. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước để bù đắp thiệt hại cho doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn, thì chắc chắn bước tiến trong lĩnh vực SX lạt giống lúa lai F1 sẽ rất chậm chạp.
Mô hình SX hạt giống lúa lai F1 của Cty Cường Tân (Nam Định) hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần SX lúa thương phẩm
Bà Phạm Thị Cằng than thở rằng, việc duy trì và nhân dòng bố, mẹ là cơ sở để mở rộng diện tích SX hạt lai F1, nhưng cơ chế hỗ trợ của nhà nước lại rất thấp. “Năm 2015, chúng tôi duy trì và nhân dòng 6ha các dòng bố, mẹ các tổ hợp lúa lai nhưng chỉ được hỗ trợ 200 triệu đồng. Tiền đã ít, nhưng thủ tục để nhận hỗ trợ lại vô cùng rắc rối và phiền hà”.
Mặt khác, SX hạt lai F1 là một trong những lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mà, đã ứng dụng công nghệ cao thì phải tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng đồng nhất, màu sáng, bắt mắt không thua kém gì so với hạt giống nhập khẩu. Bởi vậy, cần phải đầu tư khoa học - công nghệ trong tất cả các khâu, từ SX, bảo quản, chế biến... Nếu không, nông dân sẽ chê hạt giống lúa lai nước ta cứ lèm nhèm, hạt đực hạt cái và “chạy theo” xu hướng sính giống lúa ngoại. Và, để làm được điều đó, doanh nghiệp không thể “tự lực cánh sinh được”.
Đồng tình với quan điểm ấy, ông Đoàn Văn Sáu, GĐ Cty TNHH Cường Tân đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm hơn đối với chương trình SX lúa lai, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho SX giống thông qua các dự án đầu tư quy hoạch vùng SX (kênh mương, đường giao thông nội đồng), các dự án phối hợp về hoàn thiện quy trình SX hạt lai F1, dự án cơ giới hóa SX hạt giống giảm công lao động cho nông dân, chính sách về bảo hiểm đối với SX hạt lúa lai F1.
Trước những kiến nghị từ các doanh nghiệp, đơn vị tham gia dự án, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, sau khi kết thúc vụ mùa 2016, dự án Phát triển mô hình SX hạt giống lúa lai F1 giai đoạn 2014 - 2016 sẽ khép lại.
Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT dự kiến sẽ kéo dài chương trình này đến năm 2020, đồng thời sẽ huy động nguồn lực từ các chương trình phát triển giống lúa Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa trong phát triển SX hạt giống lúa lai F1 và duy trì, nhân dòng bố, mẹ...
|