Theo Hiệp hội Điều VN (Vinacas), trong giai đoạn VN hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng sẽ mở ra nhiều cơ hội cũng như tạo ra hàng loạt thách thức mới cho cả DN và nông dân trồng điều.
Vì vậy, Vinacas đề nghị nhà nước khẩn cấp ưu tiên một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngành điều phát triển bền vững trong thời gian tới…
1. GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Trên 90% DN điều hiện nay là nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh còn hạn chế và dễ bị tổn thương khi thị trường mở cửa hoàn toàn. Vì thế, các DN ngành điều đang rất cần những chính sách hiệu quả liên quan đến lĩnh vực thuế, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại…
Chính sách về thuế
Vinacas đề nghị sớm thông qua Luật thuế xuất - nhập khẩu sửa đổi trên cơ sở miễn thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa XK. Thực tế hiện nay sản lượng điều trong nước mới chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu chế biến (1,3 - 1,4 triệu tấn) và mặc dù có sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp nhưng sản lượng khó có thể phát triển nhanh trong vòng 10 năm tới. Vì vậy, ngành điều sẽ tiếp tục phải nhập khẩu trên 50% nguyên liệu để phục vụ chế biến.
Hiện nay, thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng cho sản phẩm nhân điều chế biến sâu từ 5 - 10% tùy mặt hàng. Tuy nhiên, trên thực tế nhà nước không thu được số tiền này nhưng quy trình thủ tục hoàn thuế lại mất nhiều thời gian, gây lãng phí tiền của cho cả nhà nước và DN.
Vì thế, đề nghị miễn thuế GTGT đối với các sản phẩm nhân điều chế biến sâu (điều chiên, rang muối, rang củi, điều sawabi, tẩm gia vị, tẩm mật ong, bánh kẹo điều…) để hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm trong nước và XK.
Chính sách này sẽ khuyến khích DN đầu tư chế biến sâu nhiều hơn, cạnh tranh hơn, giá bán cho thị trường nội địa và XK chắc chắn tốt hơn… từ đó có thể kích cầu chế biến sâu đạt tỷ lệ 20% tới năm 2030 theo đúng định hướng phát triển của Bộ NN-PTNT.
Xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại
Vinacas đề nghị được hỗ trợ xây dựng thương hiệu điều quốc gia, chỉ dẫn địa lý cho ngành hàng. Hiện dự án của Pháp đang hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý điều Bình Phước, sắp tới đây đề nghị xây dựng chỉ dẫn địa lý cho điều Đồng Nai.
Hàng năm, hỗ trợ DN ngành điều thông qua Vinacas tổ chức chương trình Hội nghị điều quốc tế, chương trình XTTM tập trung tại các thị trường trọng điểm và có tham gia vào các Hiệp định đàm phán thương mại tự do với VN như Mỹ, EU, Trung Đông, ASEAN…
Ngoài ra, Vianacas cũng đề nghị giúp DN các chương trình khuyến công, cải tiến công nghệ, thiết bị chế biến điều, đa dạng hóa sản phẩm, chế biến sâu, góp phần nâng cao chất lượng, VSATTP và giá trị hàng XK. Hỗ trợ Vinacas chương trình “Ngành điều VN hướng tới sản xuất sạch hơn” và chương trình truyền thông “Giá trị điều VN”.
2.GIẢI PHÁP HỖ TRỢ NGƯỜI TRỒNG ĐIỀU
Theo Vinacas, nông dân trồng điều là một trong hai đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong chuỗi giá trị ngành điều và cũng rất dễ bị tổn thương trong giai đoạn hội nhập. Vì thế, các chính sách cần quan tâm hơn nữa đến người trồng điều. Cụ thể:
Đề nghị hỗ trợ tín dụng không thế chấp cho nông dân trồng điều có nhu cầu vay vốn để thâm canh, cải tạo vườn điều già cỗi, năng suất thấp, kết hợp với thay thế các diện tích không thể cải tạo bằng phương pháp tái canh, trồng mới.
Hỗ trợ các chương trình khuyến nông quốc gia, kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều, sản xuất điều sạch, điều hữu cơ (Organic). Khuyến khích hình thành những “cánh đồng sản xuất điều mẫu lớn” có sự hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa DN và nông dân trồng điều, với sự hỗ trợ của ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội.
Hình thành kinh tế trang trại điều, các tổ hợp tác với quy mô lớn, áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, xử lý sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm…
Tháo gỡ vướng mắc cho nông dân trồng điều trong việc cấp phép và chuyển nhượng chứng nhận quyền sử dụng đất, vì hiện nay ở một số địa phương nông dân gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng thương mại để phát triển sản xuất điều vì không có sổ đỏ, sổ hồng, không có tài sản thế chấp.
Ngoài ra, hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ thông qua các tổ chức kinh tế như tổ hợp tác, HTX, DN nông nghiệp. Khuyến khích nông dân sản xuất theo hợp đồng và sản xuất theo chuỗi. Chuyên nghiệp hóa trong sản xuất và tiêu thụ (có hợp đồng, có chứng từ…); mua tạm trữ.
Thành lập “Quỹ phát triển điều bền vững” nhằm mục đích giúp ổn định sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ của DN - nông dân trồng điều căn cứ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Chính phủ về phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.