Thời gian qua, Việt Nam đã được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, điển hình là tổ chức phát triển nông nghiệp châu Á của Cơ quan Phát triển Đan Mạch (ADDA) từ năm 2004 đến 2012.
Ngày 6.6 tại Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã tổ chức hội thảo về nông nghiệp hữu cơ. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nước ta đang rơi vào tình trạng khan hiếm nông sản hữu cơ.
Ông TS Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết: “Để có sản phẩm hữu cơ chất lượng đến tay người tiêu dùng là điều không hề dễ dàng. Nông nghiệp hữu cơ dù đang trên đà phát triển tốt, tuy nhiên các sản phẩm nông sản hữu cơ rất khan hiếm. Năm 2010, cả nước có 21.000ha nông nghiệp hữu cơ. Hai năm sau, diện tích cũng chỉ tăng thêm được 2.400ha, lên thành 23.400ha, chỉ bằng 0,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ của nước ta đạt hơn 43.010ha; tập trung tại một số tỉnh thành”.
|
Sản xuất các mặt hàng nông sản hữu cơ đang là xu hướng được nông dân và người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: I.T |
Thời gian qua, Việt Nam đã được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, điển hình là tổ chức phát triển nông nghiệp châu Á của Cơ quan Phát triển Đan Mạch (ADDA) từ năm 2004 đến 2012.
TS Lê Văn Hưng – Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết: “Dự án triển khai trên 9 tỉnh ở phía Bắc Việt Nam trên các đối tượng cây trồng là lúa-rau-vải-cam-bưởi-chè và thủy sản là cá. Dự án được ADDA-Hội Nông dân Việt Nam thực hiện đã giúp cho người nông dân 9 tỉnh phía bắc Việt Nam lần đầu tiên được biết về nông nghiệp hữu cơ, hiểu các nguyên tắc, phương pháp canh tác hữu cơ. Hiện nay, các nhóm nông dân sản xuất hữu cơ đang chuyển đổi chủ yếu là rau, gà và bưởi. Sản lượng rau hữu cơ PGS (hệ thống giám sát, đảm bảo chất lượng) cung cấp cho thị trường Hà Nội đến nay đạt 350 tấn/năm, tăng gấp đôi so với 2012, tại Hà Nội có 50 cửa hàng có chứng nhận PGS.
Nông dân huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình từ lâu đã có kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ từ các dự án do ADDA tài trợ. Chị Phùng Thị Lan - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Sơn thông tin: “Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo và thành lập 18 nhóm tổ hợp tác sản xuất sản phẩm hữu cơ. Các nhóm này hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân có hiệu quả gồm là 51 mô hình về dịch vụ phân bón, vật tư nông nghiệp, giống vốn, tư vấn tập huấn KHKT cho nông dân, trồng lúa, trồng gấc, trồng rau hữu cơ, trồng hoa cúc/hồng, bưởi Diễn, nhãn, bò sữa, nuôi vịt bầu Bến... với 6.030 hội viên tham gia. Mô hình này đã được nhân rộng trên địa bàn, một số nơi đã ứng dụng thành công nâng hiệu quả kinh tế có thu nhập từ trên 50 triệu đồng/ha/năm lên tới trên 200 triệu đồng/ha/năm, nông dân phấn khởi đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ”.