Độc đáo mộc Chàng Sơn
10:22 - 06/06/2016
Cách trung tâm Hà Nội chừng 30km, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất từ hàng trăm năm nay đã nổi tiếng với nghề mộc truyền thống.
Nghề mộc tạo nhiều việc làm cho cả nam và nữ.


Các sản phẩm mộc Chàng Sơn độc đáo, chất lượng đã đến với mọi miền đất nước.
Thêm sức sống cho nghề truyền thống
Ngày nay, nếu có hỏi người dân trong làng thì cũng không ai biết chính xác nghề mộc Chàng Sơn ra đời từ khi nào. Chỉ biết rằng, trong tác phẩm “Dư địa chí” của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, viết giữa thế kỷ XV đã nhắc đến nghề mộc Chàng Sơn. Trong dân gian vẫn lưu truyền về cụ tổ nghề mộc tên là Phó Sần, xưa kia đã dẫn một tốp thợ mộc lên núi Ba Vì để làm đền miếu cho Đức Thánh Tản Viên – con rể vua Hùng thứ 18. Những người thợ Chàng Sơn với đôi tay tài hoa, khéo léo đã chạm khắc nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo bậc nhất Việt Nam. Trong số đó,  tiêu biểu là 18 pho tượng La Hán và bộ tượng Phật bằng gỗ mít tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.Trải qua nhiều thế kỷ, làng mộc Chàng Sơn chẳng những không bị mai một mà ngày càng mở rộng và phát triển. Ngày nay, với sự pha trộn các không gian văn hóa, kiến trúc, sự đan xen giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, nghề mộc Chàng Sơn càng có cơ hội phát huy tinh hoa của làng nghề xưa. Hơn thế, bằng sự tài hoa, khéo léo, sự chăm chỉ học hỏi, tiếp cận cái mới, mộc Chàng Sơn được nâng tầm phát triển, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm mộc của các làng nghề trên cả nước. Những sản phẩm của mộc Chàng Sơn ngày càng phong phú đa dạng hơn từ sập gụ, tủ chè, án gian, thiều châu, cửa võng, hoành phi câu đối, chạm, khắc đình chùa...
Từ một nghề vốn được coi là nghề phụ nhằm giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn, đến nay, mộc đã trở thành nghề thủ công mang lại thu nhập chính, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân làng nghề Chàng Sơn. Theo thống kê, hiện nay, Chàng Sơn có 79 DN, gần 2.000 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài địa phương. Thu nhập bình quân đối với lao động nam từ 5 – 7 triệu đồng, lao động nữ từ 3 – 5 triệu đồng/tháng.
Cơ hội từ nhãn hiệu tập thể
Chàng Sơn cũng nổi tiếng là mảnh đất sinh ra và đào tạo nên những nghệ nhân, thợ giỏi bậc nhất xứ Đoài. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp cùng với sự nỗ lực phát triển của làng nghề, năm 2003, mộc Chàng Sơn đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống. Đến năm 2008, Hội làng nghề Việt Nam phong tặng mộc Chàng Sơn danh hiệu “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”. Đồng thời, Hội đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho 2 cụ Nguyễn Hữu Giáp và cụ Dương Văn Mơ. Năm 2015 vừa qua, sản phẩm mộc Chàng Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận nhãn hiệu tập thể. Việc được công nhận nhãn hiệu tập thể không những là trách nhiệm của người sử dụng thương hiệu mà còn tạo sự tin cậy cho khách hàng khi mua sản phẩm.Ông Chu Tiến Đảo - Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống xã Chàng Sơn cho biết, việc giữ gìn và phát triển nghề mộc Chàng Sơn không chỉ đơn thuần là giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát triển nghề mộc Chàng Sơn còn góp phần gìn giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của địa phương. Được công nhận nhãn hiệu tập thể không chỉ tạo nên uy tín đối với khách hàng mà còn là cơ hội để mộc Chàng Sơn khẳng định vị thế và tiếp tục phát triển hơn nữa. “Tuy nhiên, việc giữ vững thương hiệu không đơn giản mà cần sự nỗ lực của cả một tập thể. Hội làng nghề truyền thống chúng tôi đang xây dựng quy chế sử dụng thương hiệu và thống nhất việc thực hiện để mộc Chàng Sơn tiếp tục phát triển và lớn mạnh hơn nữa” - ông Đảo chia sẻ.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, mộc Chàng Sơn hiện vẫn còn không ít khó khăn. Do vậy, những người làng nghề luôn mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền TP để mở rộng khu công nghiệp, hỗ trợ về xử lý ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là có cơ chế chính sách ưu đãi cho vay vốn để mở rộng sản xuất, có phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm.           
Nguồn: KTĐT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo