Người dân ở Yên Lâm đã đẩy lùi cái đói, cái nghèo ra khỏi xã. Đặc biệt, ở xã Yên Lâm có nhiều hộ tự giác xin ra khỏi danh sách hộ nghèo...
|
Chị Lương chăm sóc cho đàn lợn |
Cách đây vài năm, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) vẫn được biết đến là xã nghèo, khó khăn trong tốp nhất của tỉnh Tuyên Quang.
Nhưng giờ đây, người dân ở Yên Lâm đã đẩy lùi cái đói, cái nghèo ra khỏi xã. Đặc biệt, ở xã Yên Lâm có nhiều hộ tự giác xin ra khỏi danh sách hộ nghèo và số hộ khấm khá tăng thêm từng ngày.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Tướng Văn Tè, dân tộc Dao ở thôn Ngõ. Trước đây, ông Tướng Văn Tè thường được người dân trong xã gọi là “ông Tè đói”, vì gia đình nghèo nhất xã. Nhưng sau vài năm chịu khó học hỏi, cần cù làm ăn, cộng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương về vốn vay, đất sản xuất…, ông Tướng Văn Tè đã phát triển nghề trồng cam để thoát nghèo bền vững.
Ông Tè chia sẻ: “Ngày trước chưa biết cách làm ăn nên cả gia đình mình phải sống trong cảnh nghèo khó, lúc đó mình thấy xấu hổ với bà con, làng xóm lắm vì thuộc diện nghèo nhất xã. Vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói ấy nên mình đã quyết tâm đi học hỏi kinh nghiệm làm ăn của những gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu ở trong huyện.
Thấy cây cam mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với đất đai và khí hậu ở địa phương nên mình đã mạnh dạn vay vốn để trồng cam. Vụ cam vừa qua, gia đình mình thu hoạch được gần 200 tấn quả, trừ hết chi phí, thu lãi gần 800 triệu đồng”.
Không chỉ trồng cam, hiện nay gia đình ông Tè còn mở dịch vụ xay xát, bán hàng tạp hóa và vận chuyển hàng hóa bằng ô tô… phục vụ bà con trong xã. Đặc biệt ông Tè còn sẵn sàng giúp đỡ những hộ nghèo khác vay vốn làm ăn, cho thuê xe giá rẻ, thậm chí với hộ khó khăn ông không lấy tiền công.
Ông Tè cũng chia sẻ thêm: “Mặc dù hiện nay cuộc sống của gia đình mình đã ấm no và sung túc hơn trước, nhưng mình vẫn luôn ghi nhớ những ngày tháng đói khổ trước đây để tự giác phấn đấu lao động, sản xuất tránh xa cái đói, cái nghèo”.
Ở thôn Tháng 10, xã Yên Lâm, chuyện ông Hà Tinh Tú và ông Nguyễn Văn Hợi nộp đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo cũng khiến nhiều người nể phục. Gần 30 năm trước, do tai nạn lao động nên ông Tú bị hỏng mất một bên mắt, sức khỏe lao động giảm… Thấy ông khó khăn, cán bộ thôn và mọi người thống nhất bình xét ông diện nghèo để giúp đỡ, song ông Tú một mực không nhận.
Ông Tú cho biết: “Vì có nhiều gia đình còn khó khăn hơn gia đình tôi nên tôi không vào hộ nghèo, để “xuất hộ nghèo” đó cho những gia đình khó khăn hơn”.
Để xóa nghèo, ông Tú chọn hình thức nuôi trâu bò vỗ béo rồi bán. Bên cạnh đó, gia đình ông còn chăn nuôi thêm con như gà thả vườn, lợn đen… Nhờ thế đến năm 2014, gia đình ông đã chính thức được công nhận thoát nghèo.
Cuối năm 2015 ông đã xây nhà 2 tầng khang trang, mỗi tháng gia đình ông thu nhập đều đặn gần chục triệu đồng. Ông Tú luôn tâm niệm, “làm việc gì cũng cần quyết tâm vươn lên, mỗi gia đình không nên trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Có như thế mới vĩnh viễn thoát được nghèo”.
Thôn Tháng 10, xã Yên Lâm có 146 hộ, với trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông. Nhờ sự vận động, giúp đỡ của các cấp chính quyền nên người dân trong thôn ai cũng hăng say lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.
Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Lương ở thôn Tháng 10, khi gia đình chị đang thịt lợn, làm cơm mừng được công nhận thoát nghèo.
Chị Lương xúc động cho biết: “Bao năm qua gia đình chắt chiu nuôi con cái ăn học, khó khăn nhưng được cán bộ thôn động viên, Nhà nước giúp đỡ vốn vay. Bản thân tôi luôn biết ơn những sự giúp đỡ ấy". Song chưa bao giờ chị đòi hỏi về chính sách, hay quyền lợi những hộ nghèo được hưởng, mà chị coi đó là sự khích lệ để gia đình đẩy mạnh sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Ông Tống Văn Toàn, Trưởng thôn Tháng 10, xã Yên Lâm cho biết: “Toàn thôn hiện nay chỉ còn 17 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm một nửa so với năm 2011. Đa phần các hộ nghèo đều có ý thức vươn lên trong cuộc sống, song vì một số hộ còn thiếu đất sản xuất, thiếu vốn… nên chưa thoát nghèo ngay được. Vì vậy, nếu được hỗ trợ vốn vay và đất sản xuất… thì các hộ sẽ thoát nghèo chỉ trong thời gian ngắn”.
Là xã 135 nên Yên Lâm đã được Nhà nước và tỉnh Tuyên Quang đầu tư nhiều công trình lớn như: Điện chiếu sáng, đường bê tông nông thôn, chợ trung tâm xã, trường học khang trang và bố trí các nguồn vốn ưu đãi của các ngân hàng cho cấp thôn, bản. Bên cạnh đó, phong trào “xoá đói giảm nghèo” cũng được người dân trong xã tích cực tham gia. Đồng bào các dân tộc nơi đây đã biết phát huy lợi thế của địa phương trong trồng rừng, trồng cây ăn quả và chăn nuôi để phát triển kinh tế có hiệu quả.
Anh Lý Văn Bành ở thôn Thài Khao, người thoát nghèo từ mô hình nuôi dê lai cho biết: “Thời gian qua Nhà nước đầu tư điện, đường, trường, trạm…, bà con phấn khởi vì đi lại, buôn bán đều thuận lợi. Con đường thoát nghèo vì thế được rút ngắn đi rất nhiều”.
Yên Lâm là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Hàm Yên, với hơn 1.000 hộ dân và 9 dân tộc anh em sinh sống. Bằng nhiều giải pháp giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, số hộ nghèo ở Yên Lâm đã giảm rõ rệt qua từng năm. Từ năm 2010 đến nay, toàn xã giảm được 302 hộ nghèo. Riêng năm 2015, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên có 61 hộ thoát nghèo, trong số đó có nhiều hộ tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo.
Ông Đoàn Long Hải, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Lâm cho biết: Để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo cho người dân trong xã, thời gian tới Yên Lâm sẽ tiếp tục phát huy lợi thế đất rừng đồi, tăng cường phát triển vùng chuyên canh cam đạt năng suất cao. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện “Kế hoạch giảm nghèo” với phương châm “Dân tự làm, cộng đồng giúp đỡ, Nhà nước hỗ trợ”; lồng ghép nhiều chương trình dự án giảm nghèo kết hợp xây dựng nông thôn mới…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô lớn trong các hộ dân, xây dựng theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác thế mạnh có đường quốc lộ 2 chạy qua để phát triển du lịch, dịch vụ, phấn đấu giảm từ 6 đến 7% hộ nghèo mỗi năm…