Ngành nông nghiệp tiếp tục lấy năm 2016 là năm tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Điều quan trọng là lực lượng thanh tra thực hiện triển khai như thế nào để tạo ra chuyển biến trên thực tế.
Thực tế thời gian qua, Thanh tra Bộ đã tạo được sự chuyển biến trong một số lĩnh vực nhạy cảm như: chấn chỉnh trong việc kiểm nghiệm phân bón; nâng cao quản lý chất lượng nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm, điển hình như chất cấm.
|
Tiến tới lộ trình không chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi |
Cũng trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường cung cấp thông tin với người dân hiểu và chủ động cung cấp tin, tố giác các hành vi vi phạm về chất cấm trong chăn nuôi. Phấn đấu năm 2016 chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Qua thanh tra cho thấy, thủ đoạn đưa chất cấm vào chăn nuôi như bán kèm theo thức ăn, thương lái ép người chăn nuôi phải sử dụng chất cấm…
Thanh tra Bộ đã tìm trọng điểm để làm nhưng đây là trận đấu vẫn rất cam go. Đường dây nóng nhận được phản ánh thường xuyên. Qua kiểm tra tại các lò mổ phát hiện thấy tỷ lệ tồn dư chất cấm có trường hợp vượt 431 lần, tức là vừa cho gia súc ăn chất cấm đã đưa vào giết mổ. Không chỉ có vàng ô, Bộ đã kịp thời đưa ra danh sách các loại phẩm màu chỉ được phép sử dụng trong công nghiệp, không được sử dụng trong chăn nuôi, thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ, trong các tháng 7-9/2015, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều tới vấn đề chất cấm, trong đó chủ yếu là chất Sabutamol và chất vàng ô – chất tạo màu dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) cho gia cầm. Trước tình hình đó, trước kia hàng năm, Bộ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, tuy nhiên, do chưa thực sự quyết liệt nên ũng còn nhiều tồn tại.
Theo báo cáo của Cục Thú y, trong tháng 1/2016, lấy 1.000 mẫu trong đó có 98 mẫu nhiễm chất Sabutamol, sang tháng 3/2016, lấy 576 mẫu thì duy nhất có 3 mẫu bị nhiễm, chiếm 0,46%. Như vậy, số vụ vi phạm đã giảm đi rất nhiều.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã cam kết tiếp tục xử lý mạnh tay các đối tượng sử dụng chất cấm. Đến tháng 6,7/2016 tới tất cả các đối tượng sử dụng chất cấm sẽ bị xử phạt tiền rất nặng, thấp nhất từ 50-200 triệu, nặng nhất là đi tù 20 năm.Cũng theo ông Việt, trong năm 2016, ngành đặt quyết tâm chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sẽ có lộ trình kiểm tra liên tục hàng tháng một. Đối với các đối tượng trang trại và lò mỏ, có 2 biện pháp kiểm soát đó là chống và xây. Đối với biện pháp chống, hiện nay đang làm quyết liệt. Một mặt đưa ra các chế tài mạnh hơn, mặt khác tổ chức các đoàn thanh kiểm tra liên tục đi kiểm tra các nhà máy, lò mổ trang trại, lấy mẫu đưa đi phân tích và xử lý. Thứ hai là xây, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến tới người dân, người nuôi. Ngoài ra, các biện pháp kết nối và sản xuất theo chuỗi cũng cần phải tiến hành mạnh mẽ để giúp các hộ nuôi kết nối với các cơ sở chế biến để đưa sản phẩm sạch tới người tiêu dùng.
Ông Việt cho biết thêm, năm 2016 này, công tác thanh tra sẽ chuyển từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra theo hướng chủ động, toàn diện nhằm phát hiện những vướng mắc trong quá trình thanh tra để đề xuất cơ chế chính sách mới phù hợp với thực tiễn. Theo đó, công tác thanh tra chuyên ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào lĩnh vực, hoạt động mà thanh tra chuyên ngành của các tổng cục, cục triển khai không hiệu quả. Sẽ tổ chức các đoàn thanh tra để xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sử dụng kháng sinh cấm theo hình thức thanh tra đột xuất. Tập trung kiểm tra chất cấm trong thủy sản, kháng sinh cấm, chất cải tạo môi trường cấm để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước. Tập trung vào các tổ chức thử nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy… bởi nếu các đơn vị này làm không tốt vô hình đã tiếp tay cho sai phạm./.