Những năm 1990, một số gia đình ở thôn Khai Thái, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên trồng rau cần để cải thiện bữa ăn gia đình.
|
Người dân xã Khai Thái thu hoạch lứa rau cần cuối vụ. |
Thấy rau cần hợp đất và cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, nên người dân lựa chọn để nhân rộng và phát triển.
Hướng đi đúng
Ban đầu chỉ có một số gia đình ở thôn Khai Thái tự chuyển từ trồng lúa sang trồng cây rau cần ở những thửa ruộng vùng trũng. Thấy rau cần hợp thổ nhưỡng và phát triển tốt ở các mùa Thu, Đông, Xuân, lại không bị sâu bệnh nên các hộ khác cũng học theo. Đến nay, toàn xã đã có hơn 300 hộ chuyên canh rau cần với diện tích trên 30ha đất nông nghiệp. Hộ ít với khoảng 3 sào, hộ nhiều lên đến 7 - 8 sào, chủ yếu tập trung tại thôn Khai Thái, còn lại rải rác ở các thôn khác. Do mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang trồng cần nên nhiều hộ trở nên khá giả. Toàn xã có 2.616 hộ, nhưng hiện chỉ còn 92 hộ nghèo, riêng thôn Khai Thái chỉ có 13 hộ.
Ông Nguyễn Bá Liệu, người dân thôn Khai Thái cho biết, so với trồng lúa thì trồng rau cần hiệu quả hơn gấp nhiều lần. Mỗi sào rau cần trừ chi phí cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/vụ/năm. Hiện nay, dù rau chỉ bán được với giá trung bình khoảng 7.000 đồng/kg, nhưng ngày nào cũng có tiền chi tiêu cho sinh hoạt gia đình. Sau hơn 20 năm chuyển 5 sào ruộng trồng lúa sang trồng rau cần đã giúp kinh tế gia đình ông trở nên khá giả hơn. Năm 2015, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng và mua sắm đầy đủ đồ dùng sinh hoạt...
Nhân rộng mô hình
Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Xuân (xã Khai Thái) Nguyễn Văn Thắng cho biết, rau cần là loại cây trồng ưa các loại phân bón hữu cơ (phân chuồng ủ hoại mục). Đặc biệt loại rau này hầu như không có sâu bệnh nên người dân không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, khi rau trồng được khoảng 5 ngày, để kích thích cây sớm bén rễ, người dân sẽ phun thuốc sinh học, thuốc siêu lân (8 - 52 - 17 - TE).
Theo ông Thắng, mặc dù rau cần Khai Thái đã xuất hiện nhiều năm trên thị trường nhưng chưa được nhiều người biết đến vì địa phương chưa xây dựng được thương hiệu. Do đó, để người tiêu dùng tin tưởng, HTX sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nắm vững quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn rau an toàn với mục đích khẳng định uy tín bằng chất lượng sản phẩm: “Xác định đây là cây trồng giúp nông dân làm giàu nên chính quyền địa phương đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội hướng dẫn kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất rau an toàn và hoàn thiện bộ nhận diện nhãn hiệu tập thể “Rau cần Khai Thái”. Hiện nay, mỗi ngày Khai Thái cung cấp cho thị trường khoảng 13 tấn rau cần”.
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi khẳng định, để thương hiệu “Rau cần Khai Thái” tiến xa hơn nữa, UBND huyện đã hợp tác với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thiết kế hệ thống đường ống dẫn nước sạch để lấy nước từ các giếng khoan vào bể chứa phục vụ việc sơ chế rau cho đảm bảo. Bên cạnh đó, sẽ yêu cầu các hộ kiểm tra, cải tạo các bể chứa nước sơ chế rau đã xuống cấp để đảm bảo nguồn nước trong bể luôn trong, sạch. Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích đất trồng rau cần trong thời gian tới. Làm tốt những điều này, cây rau cần sẽ trở thành cây đặc sản có thương hiệu giúp nhiều hộ dân trở lên giàu có.