Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thì cho rằng: Trong tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, có thể nói trồng trọt là lĩnh vực khó khăn nhất khi triển khai tái cơ cấu bởi...
|
Chính sách cho ngành trồng trọt được cho là chưa thật sự đi vào cuộc sống |
Ngành trồng trọt triển khai tái cơ cấu trong bối cảnh thiên tai tác động nặng nề, thị trường XK các mặt hàng chủ lực liên tục gặp khó khăn. Bên cạnh những tác động khách quan đó, có không ít tồn tại, hạn chế sau gần 3 năm triển khai tái cơ cấu.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, đánh giá: Lợi thế nhất của ngành trồng trọt trước khi triển khai tái cơ cấu, là đã xác định được ngành hàng nào có thế mạnh.
Đó chính là 6 nhóm ngành hàng đã có kim ngạch XK trên 1 tỉ USD gồm lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, sắn và hoa quả.
Mặc dù vậy, khâu nghiên cứu thị trường một cách bài bản cho các nhóm ngành hàng này còn rất yếu kém, chưa được coi trọng. Đối với SX trong nước, ngành trồng trọt vẫn chưa xác định và chỉ ra được địa bàn nào trên cả nước có lợi thế tối ưu nhất đối với 6 nhóm ngành hàng có thế mạnh.
Điển hình như việc hiện nay, nhiều DN nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào chế biến, nhưng chúng ta chưa chỉ ra được cho họ nên xây dựng NM ở đâu, vì sao nên đầu tư vào chỗ đó…
Vì vậy thời gian tới, cần phải chỉ ra được một số địa bàn chuyên canh có tính chiến lược để ưu tiên đầu tư công, thu hút DN cũng như tập trung nguồn lực cho hạ tầng, xây dựng hình thức tổ chức SX phù hợp nhất cho từng địa bàn.
Cũng theo ông Sơn, mặc dù nhiều chính sách về đất đai cho lĩnh vực trồng trọt đã được ban hành, tuy nhiên chính sách cho đất đai vẫn đang có sự hạn chế lớn, chưa có các đề xuất và chính sách có tính đột phá để nông dân và DN yên tâm đầu tư SX.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thì cho rằng: Trong tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, có thể nói trồng trọt là lĩnh vực khó khăn nhất khi triển khai tái cơ cấu bởi mấy nguyên nhân: Một là nông dân đang đóng vai trò chủ yếu trong SX nhưng về cơ bản đang sở hữu tư liệu SX là đất đai quá manh mún, nguồn lực rất hạn chế; SX chủ yếu đang diễn ra ngoài trời, rủi ro và bị động, trong khi đó các khu vực có lợi thế của ngành là các vùng đồng bằng lại đang ngày càng chịu ảnh hưởng với tốc độ nhanh và tiêu cực từ biến đổi khí hậu, điển hình như hạn – mặn, lũ lụt…
Trong khi đó, do thời gian thực hiện tái cơ cấu mới rất ngắn, nên việc thực hiện triển khai tái cơ cấu trồng trọt gần như “vừa chạy vừa xếp hàng” song song với xây dựng cơ chế chính sách.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường, xét trên 7 vùng KT-XH của cả nước, nhìn chung bức tranh về tái cơ cấu trồng trọt có chuyển biến, tuy nhiên sự chuyển biến này chủ yếu đến một cách bị động từ nhu cầu bức bách của SX và thị trường, chứ chưa có nhiều yếu tố chủ động.
Một số ngành hàng có thế mạnh, có dư địa rất lớn như rau – hoa quả đã nhanh chóng bứt phá lên trong ngành trồng trọt nhưng chưa được đề cập đến trong hệ thống các chính sách dành cho các ngành hàng chủ lực.
Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy nông dân và DN đầu tư vào SX chưa thực sự có hiệu quả và chuyển biến rõ, đơn cử như Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, hoặc các nghị định về đổi mới HTX đến nay gần như chưa tạo ra chuyển biến rõ rệt...
Điều này khiến cho đầu tư vào nông nghiệp nói chung tới nay vốn đã rất thấp, mà trồng trọt lại là lĩnh vực mà đầu tư của DN vô cùng ít.
Ảnh minh họa
Việc ra đời, sửa đổi bổ sung các nghị định về quản lí đất lúa mặc dù có tác động giúp chuyển biến về cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhưng tốc độ còn rất chậm; các nghị định về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, nghị định về khuyến khích cánh đồng mẫu lớn gần như không triển khai đáng kể trên thực tế và mới chỉ dừng lại ở các mô hình thí điểm…
Vì vậy thời gian tới, ngành trồng trọt sẽ phải tham mưu, cho ra đời những chính sách khả thi nhất để thu hút đầu tư, trước hết là tham mưu tiếp chính sách cho HTX, rà soát sửa đổi lại các văn bản pháp luật liên quan tới chính sách cho lĩnh vực giống, thúc đẩy hiệu quả của khoa học công nghệ và công tác quản lí Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, sau gần 3 năm triển khai tái cơ cấu ngành trồng trọt, một số điểm cho thấy đã có chuyển biến đúng hướng đó là: Đã chuyển dịch được từ các cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn, điển hình như chuyển đổi đất lúa, đẩy mạnh phát triển sang rau – cây ăn quả.
Đối với từng lĩnh vực cây trồng, đã đưa khoa học công nghệ vào để tăng năng suất chất lượng, điển hình như tái canh cà phê, hồ tiêu. Quy mô SX của một số đối tượng cây trồng được mở rộng để hạn chế giá thành, tăng cạnh tranh và giá trị gia tăng, điển hình như xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nhất là lúa gạo. Một số lĩnh vực SX đã và đang từng bước ứng dụng SX theo công nghệ cao…
Song nhìn chung, việc chuyến biến của ngành trồng trọt nhìn chung còn ít, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Các cơ chế, chính sách nhìn chung chưa đi vào cuộc sống, chưa tạo được động lực cho ngành.
Theo Cục Trồng trọt, mặc dù XK các sản phẩm của ngành trồng trọt trong gần 3 năm triển khai tái cơ cấu vẫn trung bình đạt 14 tỉ USD/năm, đóng góp gần 50% vào tổng kim ngạch XK toàn ngành nông nghiệp, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng SX của ngành trồng trọt nhìn chung còn thấp và chưa ổn định. |