Năm 2020, Hà Nam đặt mục tiêu tăng đàn bò sữa lên 20.000 con
09:56 - 01/07/2016
Vừa qua, tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2014-2015, kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, đến thời điểm này, UBND các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng và Thanh Liêm đã phê duyệt quy hoạch 15 khu chăn nuôi bò sữa tập trung tại 13 xã, và đã có 8 khu quy hoạch ở 6 xã đang triển khai xây dựng hạ tầng.
Ảnh minh họa

Hiện toàn tỉnh có 205 hộ chăn nuôi trên 2.200 con bò sữa, tổng sản lượng sữa bán cho các nhà máy là 16,46 tấn/ngày. Trên địa bàn tỉnh có 5 trạm thu mua sữa của 2 Công ty Vinamilk và Công ty Frisland Campina đã hợp đồng tiêu thụ sữa tươi cho các hộ chăn nuôi với giá sữa ổn định ở mức 12.500 – 14.200 đồng/kg. 

Tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa như: các địa phương triển khai chưa đồng bộ, tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các khu chăn nuôi bò sữa tập trung đã quy hoạch còn chậm, việc xác định vị trí quy hoạch khu chăn nuôi bò sữa tại một số xã chưa phù hợp với chăn nuôi bò sữa; quy mô và tốc độ phát triển bò sữa năm 2015 đạt kết quả chưa cao so với kế hoạch; ý thức chấp hành các quy định về quản lý chăn nuôi bò sữa của hộ chăn nuôi còn thấp; một số hộ chăn nuôi chưa được tín chấp, thế chấp vay vốn bằng chuồng trại, hoặc chính số bò đang có nên khó khăn trong việc mở rộng quy mô đàn bò. 

Theo kế hoạch, năm nay, tỉnh Hà Nam phấn đấu tổng đàn bò sữa đạt 5.000 con, với số bò sữa cần phải mua mới ngoài tỉnh 2.308 con, dự kiến sản lượng sữa 15.600 tấn/năm. Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn bò sữa đạt 20.000 con, số bò sữa cần phải mua mới 944 con, dự kiến sản lượng sữa 67.189 tấn/năm. 

Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh Hà Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát triển chăn nuôi bò sữa, phát triển vùng nguyên liệu trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn; hoàn thiện hạ tầng, đường giao thông, đường điện và nước sạch, tạo điều kiện cho các hộ mua thêm bò và nhân giống đàn bò tại trại đầu tư đủ quy mô theo quy hoạch; thường xuyên giám sát dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng đầy đủ; tăng cường liên kết với các nhà máy chế biến sữa trên địa bàn hợp đồng tiêu thụ sữa cho các hộ chăn nuôi; tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò sữa./. 

Nguồn: TTXVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo