Quảng Trị chủ động tìm sinh kế mới cho ngư dân vùng biển, nhất là vùng bãi ngang
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết đã chỉ đạo các huyện và ngành nông nghiệp nghiên cứu, xây dựng các mô hình để chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân vùng biển, đặc biệt là vùng biển bãi ngang để tạo sinh kế lâu dài.
|
Cá chết, bãi tắm biển Cửa Việt, huyện Gio Linh vắng lặng người |
Chẳng trông chờ vào đền bù ô nhiễm biển, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã chủ động tập trung nghiên cứu, xây dựng các mô hình để chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân vùng biển, đặc biệt là vùng biển bãi ngang để tạo sinh kế lâu dài.
Đi qua vùng biển Quảng Trị hôm nay đã thấy xuất hiện một vài tàu thuyền đánh cá, nhưng chủ yếu tàu xa bờ. Ngư dân Nguyễn Văn Hiếu ở xã Gio Việt cho biết, dạo này cá thu, cá ngừ thấy rất ít, chỉ có cá nục khai thác về bán lại cho các lò hấp cá, nhưng sản lượng đánh bắt được cũng không nhiều, không bù đủ tiền dầu.
Những ngư dân đi đánh cá cùng anh Hiếu cũng chung nhận định biển đang tang thương. Đa số ngư dân đang ở nhà, chưa ra biển đánh bắt cá.
Còn với tàu gần bờ đánh bắt trong 20 hải lý trở vào thì càng khó khăn hơn. Anh Nguyễn Hải Thủy ở xã Trung Giang và một vài ngư dân đi đánh bắt gần bờ nhưng biển không còn cá như trước nữa, lưới kéo lên chỉ mắc vào xương cá. Các loại cá tầng này như cá mú, cá hồng, cá chai coi như không còn xuất hiện. Nhiều lúc vừa đi biển vừa chảy nước mắt, chẳng biết khi mô biển trở lại như xưa để cưu mang ngư dân.
Ngư dân Lê Văn Hồng ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, mong muốn bây giờ là vay được vốn ưu đãi sớm để đóng mới tàu to đi đánh bắt xa bờ. Không thể đánh bắt hải sản gần bờ được, bà con ngư dân chỉ còn biết trông vào một hướng vậy thôi.
Đề nghị chính cấp tỉnh vào cuộc gắt gao để ngân hàng sớm cho ngư dân vay vốn. Có đóng được tàu xa bờ thì mới giải quyết được việc làm cho ngư dân nghèo.
Ông Trần Văn Thuận, Bí thư xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, cho biết không đợi đến khi nguyên nhân công bố cá chết mới tìm hướng phát triển mới, mà ngay từ khi tình hình đời sống của ngư dân ngày thêm phức tạp do cá chết bất thường, chúng tôi đã tập trung xây dựng hai phương án để tạo nguồn thu nhập cho bà con.
Thứ nhất là chuyển qua trồng trọt, bao gồm trồng cây dược liệu và xây dựng vùng chuyên canh rau sạch trên cát. Thứ hai, khuyến khích ngư dân mua sắm các loại tàu thuyền công suất lớn, chuẩn bị cho phương án tàu đánh bắt xa bờ, phát triển một lực lượng chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá làm phương tiện trung chuyên hải sản từ tàu thuyền lớn ngoài khơi, khai thác hải sản vùng an toàn đưa vào bờ tiêu thụ. Tuy nhiên, để thực hiện được hai phương án này chúng tôi gặp quá nhiều khó khăn, nhất là kinh phí đầu tư.
Theo ông Nguyễn Đức Đồng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị, đơn vị đã giải ngân gần 50 tỷ đồng cho hơn 1.700 hộ vay chuyển đổi nghề nghiệp. Trước mắt, đồng vốn vay giúp bà con tìm hướng làm ăn mới, gia tăng sản xuất để tiếp tục hành trình vươn khơi bám biển và bảo vệ tốt chủ quyền biển đảo.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết đã chỉ đạo các huyện và ngành nông nghiệp nghiên cứu, xây dựng các mô hình để chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân vùng biển, đặc biệt là vùng biển bãi ngang để tạo sinh kế lâu dài. Ngoài ra, tỉnh cũng ưu tiên tuyển chọn lao động vùng biển để đưa đi lao động nước ngoài cũng như đưa vào làm việc trong các nhà máy. Không thể ngồi đợi mà phải hành động ngay dù gặp muôn vàn khó khăn, thách thức.
|