Nếu chỉ dừng ở việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý mà không thực hiện các hoạt động quảng bá mạnh mẽ ra thị trường cũng như thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát thì việc khai thác thương mại các sản phẩm được bảo hộ sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
|
Hội thảo “Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu”. Ảnh: VGP/Lê Anh |
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cho biết như vậy tại hội thảo “Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu” do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN tổ chức ngày 1/7 tại TPHCM.
Trong 15 năm qua, Việt Nam đã tập trung xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý như một công cụ trong bảo hộ nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Việt Nam có 47 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, phân bổ khắp 32, tỉnh, thành phố trên cả nước. Các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý không chỉ đa dạng về loại hình sản phẩm (hoa, quả, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng), mà còn có tính đại diện cho các vùng miền trên khắp cả nước.
Thực tế cho thấy, việc các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện giúp người dân, các địa phương, các hiệp hội làng nghề cũng như nhà sản xuất tiếp cận với các quy định về sản phẩm nhập khẩu tại nhiều thị trường khó tính được dễ dàng hơn, qua đó nâng cao giá trị cho hàng hóa.
Tuy nhiên, ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, việc bảo hộ địa lý gặp khó khăn vì không ít nhà sản xuất hay nông dân do không hiểu hết giá trị của bảo hộ mang lại nên đã không hợp tác tích cực, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm mang đặc trưng riêng của một vùng.
Bên cạnh đó, việc quản lý bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý trong kiểm soát chỉ dẫn địa lý; thiếu nguồn lực để triển khai, cùng với đó nhu cầu sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, do đó, chỉ dẫn địa lý chưa trở thành dấu hiệu thương mại phổ biến. Ví dụ: Nho Ninh Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột, nón lá Huế thì sản phẩm dán tem và không dán tem không có sự khác nhau về giá.
Tăng cường kiểm soát và quảng bá sản phẩm chỉ dẫn địa lý
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc cho biết, nước mắm Phú Quốc dù đã được bảo hộ ở châu Âu nhưng chưa phát triển tiếp thị và quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng châu Âu biết đến nhiều. Thêm đó, sản phẩm nước mắm Phú Quốc vẫn chưa đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại các nước khác nên đang bị các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng đăng ký ở Thái Lan, Trung Quốc, Hongkong…
Chính vì vậy, bà Tịnh kiến nghị, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện các quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc theo các quy định của châu Âu. Đồng thời hỗ trợ hoạt động quảng bá, thương mại cho sản phẩm nước mắm cũng như hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này tại các nước có tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh thì cho biết, mặc dù cà phê Buôn Ma Thuột đã đăng ký bảo hộ tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã được bảo hộ tại 11/17 nước nhưng hoạt động bảo hộ cho sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí thực hiện đánh giá chứng nhận, chưa được người tiêu dùng cuối cùng nhận biết và quảng bá xúc tiến thương mại trong, ngoài nước còn yếu…
Từ kinh nghiệm của châu Âu, TS. Delphine Marie-Vivien (Tổ chức Cirad) cho biết, tại EU, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý thực hiện theo nhóm các nhà sản xuất. Theo đó chỉ có một nhóm hoặc một thể nhân hay pháp nhân mới có quyền nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý (GI).
Đối với việc quản lý hậu đăng ký chỉ dẫn địa lý, EU kiếm soát rất nghiêm ngặt. Chẳng hạn tại Pháp, Bộ Kinh tế có cơ quan thực hiện nhiệm vụ cụ thể này là Vụ cạnh tranh, tiêu dùng và chống gian lận. Tại Italy, Hiệp hội các nhà sản xuất tham gia kiểm soát gian lận.
TS. Delphine Marie-Vivien cho rằng, Việt Nam cần cân bằng giữa vai trò của hiệp hội các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý với sự can thiệp của cộng đồng. Thử nghiệm các mô hình quản lý đối với các bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Một khi sản phẩm chỉ dẫn địa lý được đưa ra thị trường, cần phải kiểm soát gian lận tại nơi bán như chợ, người bán lẻ, siêu thị...
Được biết, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được chính thức ký kết, EU sẽ công nhận 39 sản phẩm đăng ký chỉ dẫn địa lý (GI) của Việt Nam.