Hà Nội: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều vướng mắc
18:38 - 26/07/2016
(TNNN) - Hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành một xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp trên toàn thế giới. Hướng đi này nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp và giải quyết được những vấn đề về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu… cho nhiều quốc gia.
Mô hình nông nghiệp được đầu tư theo hướng công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần

 

Đây có thể xem là một trong những thành tựu của khoa học công nghệ nhằm phục vụ đời sống con người. Việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao đã tạo nên những bước đột phá cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp. Đồng thời, đây còn là giải pháp tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, giảm diện tích sản xuất nông nghiệp phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, dần chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phục vụ trong các lĩnh vực khác…


 
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường- Bộ Nông nghiệp & PTNT đánh giá, nông nghiệp Công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất); tự động hóa; công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới; công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

 
Từ các bài học kinh nghiệm của đất nước Israel thời gian qua cho thấy, khi áp dụng công nghệ cao thì mỗi ha trồng cà chua cho ra 250- 300 tấn/năm. Trong khi đó, với cách sản xuất theo phương thức truyền thống của nước ta thì năng suất chỉ đạt khoảng 20- 30 tấn/ha/năm. Cũng tương tự như vậy, một ha trồng hoa hồng ở nước ta chỉ cho năng suất khoảng 1 triệu cành, với doanh thu từ 50- 70 triệu đồng/ha/năm thì ở Israel, con số tương ứng là 15 triệu cành với chất lượng đồng đều và điều tất nhiên là doanh thu cũng từ đó cao hơn nhiều.

 
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ cao còn giúp cho các nhà sản xuất tiết kiệm được nhiều những chi phí khác như: Nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… nhờ đó, góp phần vào quá trình bảo vệ môi trường. Chính từ những lợi ích như vậy mà sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện đã và đang trở thành mẫu hình cho nền nông nghiệp tiên tiến thế kỷ XXI.


 
Việc ứng dụng hiệu ứng nhà kính để tạo ra được môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiêp cũng như ứng dụng các thành tựu công nghệ khác để tạo ra các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu… đã khiến người nông dân chủ động được kế hoạch sản xuất của mình cũng như khắc phục được tính mùa vụ nghiệt ngã trong sản xuất nông nghiệp. Do không còn bị phụ thuộc vào mùa vụ cũng như thời tiết nên có thể cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp trái vụ, với giá bán cao hơn và từ đó, đạt lợi nhuận cao hơn so với các sản phẩm chính vụ.

 
Bên cạnh đó, hiệu ứng nhà kính với các môi trường nhân tạo được tạo ra đã tránh được nhiều rủi ro về thời tiết, sâu bệnh và hiển nhiên là năng suất cây trồng, vật nuôi tính trên một đơn vị diện tích đất đai cũng sẽ tăng lên. Khi sản phẩm nhiều lên thì tất yếu thị trường cũng sẽ được mở rộng hơn. Mặt khác môi trường nhân tạo rất thích hợp với các giống cây trồng mới, có sức chịu đựng trước sự bất lợi của thời tiết cao hơn, đồng thời khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn.


 
Tất cả những điều này đều đang rất thích hợp đối với các vùng đất khô cằn trước giờ vốn không thuận lợi để sản xuất nông nghiệp như địa hình ở những vùng trung du, miền núi, vùng bị sa mạc hóa… Hiện nay, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều mô hình trồng chuối, hoa lan, cà chua, rau quả công nghệ cao theo các tiêu chuẩn VIETGAP và GLOBALGAP… được thử nghiệm ở các tỉnh như: Lâm Đồng, Lào Cai, các tỉnh miền Tây Nam Bộ… và bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU.

 
Thành phố Hà Nội cũng là địa phương có khá nhiều điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, do vẫn còn một số trở ngại trước mắt nên hiện nay, hầu hết các mô hình nông nghiệp tại đây đang phát triển theo hướng vận dụng công nghệ cao.

 
Một điển hình cho việc áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nhân giống hoa, cây cảnh trên địa bàn Hà Nội là của Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh, thuộc Viện nghiên cứu Rau quả- Bộ Nông nghiệp & PTNT. Đây là đơn vị có chức năng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo, tư vấn, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phát triển hoa, cây cảnh trên phạm vi cả nước. Hiện nay, Trung tâm đang có 4 ha khu sản xuất giống hoa các loại được đầu tư cơ sở vật chất theo công nghệ cao, mỗi năm cung cấp trên 2 triệu cây giống hoa chất lượng cao cho thị trường.



Sau một số năm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị sản xuất một số giống hoa theo công nghệ cao, Trung tâm đã đạt được hiệu quả kinh tế cao và hiện đang chuyển giao công nghệ cho các địa phương khác áp dụng. Tuy nhiên, để phát triển, mở rộng được quy mô và đa dạng các sản phẩm, lãnh đạo Trung tâm cho rằng vẫn còn những khó khăn về vốn, thiếu chính sách, thiếu sự quyết tâm vào cuộc của các doanh nghiệp và các cấp chính quyền.

 
Đối với lĩnh vực chăn nuôi và xử lý môi trường theo hướng công nghệ cao, thì Công ty chăn nuôi Việt Hưng tại thị xã Sơn Tây là một cơ sở điển hình. Với diện tích 15 ha, công ty đã xây dựng được một hệ thống chuồng trại hiện đại để sản xuất lợn giống và lợn thương phẩm. Sau khi nhập một số giống lợn ngoại có chất lượng (giống ông bà), nguồn gốc từ các nước Đan Mạch, Thái Lan về, với công suất ổn định 400 lợn ông bà và 800 lợn bố mẹ/năm, công ty đã sản xuất được hàng ngàn con lợn giống chất lượng cao và hàng chục ngàn lợn thương phẩm để cung cấp cho nhiều địa phương trong cả nước.


 
Đáng chú ý hơn cả là trong quá trình hoạt động chăn nuôi của mình, công ty đã quan tâm xây dựng được một hệ thống xử lý nước thải hiện đại theo công nghệ tiên tiến. Toàn bộ lượng nước thải trong chăn nuôi sẽ được xử lý thông qua một dây chuyền khép kín; nước thải sau khi xử lý, đạt tiêu chuẩn sạch sẽ được tận dụng trở lại để tắm rửa cho lợn. Việc làm này đã giúp tiết kiệm tối đa nguồn nước, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ có hệ thống xử lý nước thải nên môi trường chăn nuôi lợn ở đây đảm bảo yêu cầu sạch, cách ly được bệnh tai xanh nên không phải tiêm vaccine….

 
Theo đánh giá của các chuyên gia, những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo hướng áp dụng công nghệ cao của Hà Nội mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc như: Đất đai, tài chính, tiêu thụ sản phẩm, chính sách…
 

Mặt khác, từ góc độ phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thế giới cũng như thực tế tại một số tỉnh, thành ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả và cho lợi nhuận cao khi có các chính sách cụ thể và xác định được công nghệ phù hợp.

 
Nguyên nhân để các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả chưa như kỳ vọng là do vẫn còn một số tồn tại của việc chưa đủ quyết tâm để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thêm vào đó, việc lựa chọn mô hình, sản phẩm sản xuất chưa phù hợp, khả năng tài chính chưa đủ mạnh để thực hiện đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp… Đây là những bài học quý báu cho các địa phương đang chuẩn bị chuyển đổi theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

 
Nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia và gia tăng xuất khẩu, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.


 
Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có 8 khu đã được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. Cụ thể, ngoài 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Hậu Giang và Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ tiếp tục quy hoạch và xây dựng 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác. Những khu này đã được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành ra quyết định thành lập, gồm: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Dương, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh.

 
Theo định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, hoạt động có hiệu quả 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được thành lập thuộc quy hoạch tổng thể.
 

Cùng với đó, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cũng cần phải nghiên cứu quy hoạch đối với các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh: Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang và các tỉnh còn lại.


 
Tiến Thịnh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo