Cuộc chiến môi trường và giảm nghèo
10:42 - 05/08/2016
Nghèo đói của Việt Nam có nhiều nguyên nhân, song cần nhấn mạnh, có một phần nguyên nhân quan trọng bởi sự cộng hưởng các nguy cơ rừng và tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm đất, biển và các dòng sông, không khí, tình trạng khí hậu cực đoan gây khô hạn, nhiễm mặn và ngập lụt đang gia tăng. Biến đổi khí hậu cực đoan gây bão lụt, phá hủy nhà ở, đường sá, mất đất canh tác và thất bát mùa màng, trực tiếp làm giảm thu nhập của người dân.
Ảnh minh họa


Chính phủ vừa ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, từ 1-1-2016, việc đo lường nghèo ở Việt Nam chính thức chuyển từ đơn chiều - thu nhập sang đa chiều, tức sử dụng cả tiêu chí thu nhập và 10 tiêu chí (dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin) về tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin).

Phương pháp này đã được 30 quốc gia nghiên cứu và áp dụng phù hợp với chương trình nghị sự của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững.

Theo quy định mới này, hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700 nghìn đồng trở xuống; Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700 nghìnđồng đến một triệu đồng và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Hộ nghèo khu vực thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900 nghìn đồng trở xuống; Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900 nghìn đồng đến 1,3 đồng và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên…

Hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700 nghìn đồng đến một triệu đồng và thiếu hụt dưới ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt dưới ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1 - 1,5 triệu đồng. Hộ có mức sống trung bình ở khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1,3 - 1,95 triệu đồng.

Mức chuẩn nghèo trên là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác trong giai đoạn 2016 - 2020.

Yêu cầu mới đòi hỏi giải pháp mới, cuộc chiến giảm nghèo đa chiều bền vững ở Việt Nam đòi hỏi cần thêm những giải pháp mới, đa dạng và thiết thực hơn.

Nghèo đói của Việt Nam có một phần nguyên nhân quan trọng bởi sự cộng hưởng các nguy cơ rừng và tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm đất, biển và các dòng sông, không khí, tình trạng khí hậu cực đoan gây khô hạn, nhiễm mặn và ngập lụt đang gia tăng. Biến đổi khí hậu cực đoan gây bão lụt, phá hủy nhà ở, đường sá, mất đất canh tác và thất bát mùa màng, trực tiếp làm giảm thu nhập của người dân.

Ô nhiễm môi trường không chỉ trực tiếp làm mất nguồn lợi tài nguyên biển, sông ngòi, khiến người dân mất nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải, thủy sản; diêm sinh; du lịch biển và các hoạt động thương mại, dịch vụ ăn theo khác trong đời sống kinh tế; mà còn trực tiếp và gián tiếp gây tổn hại sức khỏe người dân trong vùng bị ô nhiễm, tức làm giảm khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, nước sạch của người dân - những chiều quan trọng hàng đầu trong tám chiều của giảm nghèo đa chiều bền vững mà Việt Nam đặt ra từ năm 2016…

Trên thực tế, theo Tổng cục Thống kê, trong sáu tháng đầu năm 2016, tổng cộng cả nước đã có 201,8 nghìn lượt hộ thiếu đói, tăng 9,9% so cùng kỳ năm trước, tương ứng 832,6 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, tăng 10,1%, tập trung ở các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung, Tây Nguyên.

Điển hình gần đây nhất là Công ty Hưng Nghiệp Formosa - Hà Tĩnh của Đài Loan đã phải cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cam kết bồi thường 11.500 tỷ đồng và tiến hành các biện pháp cần để xử lý môi trường biển. Tuy nhiên, lời xin lỗi khó khăn và muộn màng đã không dễ xóa đi hệ lụy nặng nề mà họ gây ra cho Việt Nam, với hơn 263 nghìn ngư dân và nhiều thế hệ của họ đã, đang và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp cả về sức khỏe và sinh kế do hệ sinh thái và môi trường biển bị hủy diệt bởi các độc tố Phenol, Cyanua. Hàng chục ngàn tàu thuyền phải nằm bờ hoặc đánh bắt cầm chừng. Hệ thống dịch vụ du lịch, thương mại, vận tải và kinh tế biển, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản mà người dân gắn bó bao đời nay trên các địa bàn này cũng bị thiệt hại; sản lượng thủy hải sản của bốn tỉnh miền trung liên quan bị giảm ít nhất cũng từ 15 - 30%. Nhiều hậu quả sẽ tiếp tục phát sinh và khó tính hết bằng tiền…

Đảng và Nhà nước đang có nhiều hành động thiết thực bảo đảm an sinh, xóa đói giảm nghèo cho ngư dân vùng biển ô nhiễm, tiêu biểu là các chính sách theo Quyết định số 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1138/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung Điều 1 của Quyết định số 772/QĐ-TTg về hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân bốn tỉnh miền trung, như: tăng thời gian hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng từ 1,5 tháng lên tối đa 6 tháng; bổ sung đối tượng hỗ trợ là diêm dân, các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản; giãn nợ các khoản vay của ngư dân;

Thực tế đòi hỏi, bên cạnh hỗ việc trợ một phần trong việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với những lao động bị gián đoạn bởi sự cố môi trường, cần sớm có một đề án tổng thể về dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ các huyện nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất, người dân bị mất ngư trường; trong đó, ưu tiên một số huyện nghèo ven biển bị ảnh hưởng, trước mắt tập trung vào các chương trình có chi phí thấp, như: Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký kết lại trong tháng 5-2016; dỡ bỏ quy định hạn chế các địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao tham gia Chương trình EPS đối với tất cả các huyện bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường; Chương trình đánh bắt cá gần bờ của Hàn Quốc và Chương trình đánh bắt cá gần bờ của Đài Loan; Thỏa thuận hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Thái-lan đã được ký kết. Theo đó, từ 1-7, Thái-lan chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam ở hai nghề: đánh bắt cá gần bờ và xây dựng, sau đó sẽ mở rộng ra các ngành nghề khác; hỗ trợ người lao động có thể tìm việc ở Thái-lan không mất chi phí môi giới; Chương trình đưa điều dưỡng viên đi Nhật Bản và CHLB Đức…

Ngoài ra, cần tích cực đàm phán chia sẻ quyền đánh bắt hải sản hoặc tiếp nhận lao động biển; tăng hỗ trợ người ngư dân sớm hoán đổi tàu, đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi; tăng cường tuyên truyền, thông tin chính xác về chất lượng các sản phẩm hải sản xa bờ, các vùng biển sạch, ổn định thị trường đầu ra cho ngư dân và doanh nghiệp chế biến hải sản; cấp đất cho dân sản xuất…

Gây ô nhiễm biển là tội ác với nhân loại và thiên nhiên! Bảo đảm an sinh xã hội cho ngư dân vùng biển ô nhiễm, tăng cường an ninh quốc gia trên biển là quyền, nguyện vọng và đòi hỏi bức thiết của người dân, là trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan. Cả trước mắt và về lâu dài, cần sớm khôi phục và tạo lập ngư trường mới cho ngư dân tiếp tục bám biển; nâng cao năng lực, hoàn thiện quy trình giám sát, quan trắc môi trường nước biển, tăng cường trách nhiệm cá nhân, chủ động phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết đóng cửa, xử lý nghiêm khắc nhất bất kỳ kẻ nào cố tình xả thải hủy diệt môi trường, hủy hoại nền kinh tế biển, tước đoạt sinh kế và sức khỏe người dân…

Nguồn: Nhân dân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo