Chấn chỉnh thực mô hình canh tác lúa cải tiến ở Bắc Cạn
10:20 - 05/08/2016
Nhằm xây dựng một nghìn ha lúa hàng hoá chất lượng cao, từ vụ mùa năm 2016 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Bắc Cạn được giao xây dựng mô hình canh tác lúa cải tiến tại năm huyện trên địa bàn tỉnh với số vốn đầu tư 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai trong thời gian qua có nhiều bất cập, cần phải chấn chỉnh kịp thời để củng cố lòng tin của nông dân.
Mô hình canh tác lúa cải tiến ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông


Mô hình canh tác lúa cải tiến chất lượng cao được Sở NN và PTNT Bắc Cạn thực hiện trên diện tích 500 ha ở các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn và Chợ Mới với tổng số 2.667 hộ tham gia. Thực hiện mô hình, các hộ được hỗ trợ toàn bộ về giống, 50% phân bón, 600 nghìn đồng/ha thuốc bảo vệ thực vật, được tập huấn kỹ thuật, nhằm thay đổi phương thức canh tác lúa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tiến tới toàn tỉnh sẽ canh tác ổn định một nghìn ha lúa hàng hoá chất lượng cao nhằm tăng giá trị, thu nhập cho nông dân.Vụ mùa năm 2016, vụ đầu tiên triển khai mô hình xuất hiện nhiều bất cập làm nông dân bức xúc.

Phó Chủ tịch UBND xã Vi Hương, huyện Bạch Thông Dương Văn Tập cho biết: “Nông dân trong xã thực hiện mô hình trên diện tích hơn 10 ha, chúng tôi thấy việc triển khai rất chậm. Lẽ ra cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì mô hình phải cấp giống cho nông dân từ sớm để khoảng đầu tháng 6 là gieo mạ là đúng thời vụ, nhưng việc cấp giống chậm nên sau đó mười ngày mới gieo mạ khiến sản xuất vụ đông của nông dân bị ảnh hưởng”.

Mặt khác, cán bộ phụ trách nông-lâm nghiệp xã Vi Hương Hà Thị Mỳ băn khoăn: “Thực hiện mô hình, nông dân được cấp gần 170 kg thóc giống DT 68, nhưng chất lượng giống kém nên tỷ lệ mọc mầm thấp, thiếu mạ cấy lúa, sau đó đơn vị cung ứng giống bổ sung thêm 30 kg thóc giống nên khung thời vụ bị chậm. Rất may là nông dân đã tận dụng mạ của nhau nên cấy hết diện tích theo mô hình”. Tình trạng đơn vị cung ứng giống lúa bao thai chất lượng kém khi thực hiện mô hình cũng diễn ra tại huyện Chợ Đồn làm nông dân bức xúc.

Thực hiện mô hình canh tác lúa cải tiến chất lượng cao, sẽ giảm 50% lượng giống, giảm phân bón và thuộc bảo vệ thực vật, nhưng năng suất, chất lượng lúa vẫn cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống của nông dân trên địa bàn tỉnh nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật.

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Bắc Cạn Nguyễn Đình Điệp khi kiểm tra việc thực hiện mô hình tại các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông đều khẳng định: “Yêu cầu đặt ra là khắc phục phương thức canh tác truyền thống vừa tốn giống, tốn phân bón và tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực phần tràn lan mà năng suất, chất lượng lúa không cao. Do đó, thực hiện mô hình canh tác lúa cải tiến nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên là cần thiết. Tuy nhiên, vụ đầu tiên xảy ra tình trạng cung ứng giống muộn so với thời vụ, giống lúa chất lượng kém là điều rất đáng tiếc, cần phải rút kinh nghiệm cho những vụ sau”.

Ông Điệp yêu cầu đơn vị cung ứng giống là Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Cạn phải có trách nhiệm trong việc cung ứng giống lúa chất lượng kém cho nông. Theo dõi toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển của của lúa, nếu trong điều kiện bình thường mà năng suất, chất lượng lúa không đạt yêu cầu thì đơn vị cung ứng giống phải đền bù sản lượng cho nông dân.

Sở NN và PTNT chỉ đạo mỗi cán bộ nông nghiệp phụ trách việc thực hiện mô hình tại một xã, bán sát đồng ruộng để giúp nông dân kịp thời phát hiện sâu bệnh, thời điểm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân phù hợp để có vụ mùa bội thu, qua đó củng cố niềm tin của nông dân đối với mô hình, từng bước khắc phục phương thức sản xuất lúa truyền thống trên địa bàn.

Nguồn: Nhân dân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo