Chỗ dựa tin cậy của nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu
10:28 - 05/08/2016
Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xem hợp tác xã (HTX) như ngôi nhà chung thân thiết, là chỗ dựa tin cậy để bà con yên tâm sản xuất. Ðây chính là tiền đề để Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới...
Giám đốc HTX bưởi da xanh Sông Xoài Hồ Văn Kiệt kiểm tra việc bảo đảm quy trình chăm sóc bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thiết thực và hiệu quả

Trang trại bưởi da xanh của anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, rộng chưa đến 3ha nhưng được quy hoạch khoa học với mật độ cây trồng hợp lý. Mọi quy trình chăm sóc đều được ghi chép và giám sát chặt chẽ. Anh Thắng chia sẻ: “Khu vườn được lắp đặt hệ thống tưới thông minh, được kiểm tra và chăm bón đúng kỹ thuật. Đây là mùa thứ ba vườn bưởi cho thu hoạch. Hiệu quả rất cao. Sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó”. Cũng theo anh Thắng, thị trường bưởi da xanh đang rất được ưa chuộng. Riêng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cầu đã vượt cung, nhất là vào những dịp lễ, Tết. Dù tham gia HTX bưởi da xanh Sông Xoài chưa lâu, nhưng nhờ sự hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật và đầu ra của sản phẩm từ HTX, anh Thắng hoàn toàn yên tâm trong việc đầu tư và chăm sóc vườn bưởi. Anh cho biết: “Trước khi trồng bưởi da xanh, tôi cũng đã thử trồng nhiều cây công nghiệp dài ngày khác, nhưng hiệu quả không cao. Thị trường bấp bênh, cứ trồng rồi chặt. Kể từ khi tham gia HTX và chọn cây bưởi da xanh này, kinh tế gia đình tôi khấm khá hẳn lên”.

Giám đốc HTX bưởi da xanh Sông Xoài Hồ Văn Kiệt, người đang sở hữu hơn 2 ha bưởi cho biết: Các xã viên tham gia HTX đều được hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn về cây giống và bao tiêu đầu ra. Nếu trước đây, người nông dân bị tư thương ép giá, nhất là vào mùa thu hoạch rộ, thì nay nhà vườn thông qua HTX sẽ quyết định giá bán theo từng đợt, không còn chuyện cạnh tranh giá cao, giá thấp. Anh Kiệt chia sẻ: “Mỗi ha trồng bưởi da xanh cho thu nhập trung bình từ 600 đến 700 triệu đồng. Năm mất mùa cũng cho thu nhập ít nhất 400 triệu đồng. Thành thử, bà con nông dân chỉ cần trồng đủ 2ha là đã sớm trở thành hộ... giàu”. Bên cạnh chiếc máy tính macbook pro đời mới, dưới những tán bưởi xanh um, anh Kiệt tự hào: “Tôi ở miền Tây tới lập nghiệp ở Sông Xoài chưa lâu, nhưng giờ đã có vài chục công đất, có xe hơi... Tất cả nhờ cây bưởi”.

Từ chỗ ngần ngại và không muốn tham gia HTX, vài năm trở lại đây, nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xem HTX như ngôi nhà chung thân thiết, là chỗ dựa tin cậy để người nông dân yên tâm sản xuất. Ông Trần Quang Hải, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thịnh (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) cho biết, HTX hiện có 29 xã viên, canh tác gần 28ha thanh long, trong đó có hơn 5ha thanh long ruột đỏ. Hầu hết triển khai theo mô hình VietGAP. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, thanh long cho trái từ 3 đến 4 vụ/năm, sản lượng đạt từ 40 đến 50 tấn/ha. Thanh long ruột đỏ của xã Bưng Riềng đã được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đưa đi tham gia triển lãm tại Hội chợ nông nghiệp quốc tế ở Hà Nội năm 2014, sản phẩm được Ban tổ chức và khách tham quan đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng. Vừa qua, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX đang nghiên cứu xây dựng một cơ sở sơ chế, đóng gói bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Nếu thành công, quy trình sản xuất cây thanh long ở Bưng Riềng sẽ khép kín từ khâu cung cấp cây giống đến đưa sản phẩm ra thị trường.

Hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao

Trong tổng số hơn 90 HTX trên địa bàn tỉnh, theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Bà Rịa - Vũng Tàu Phan Nhật Nam, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp luôn là những đơn vị hoạt động hiệu quả nhất. Không chỉ hỗ trợ xã viên dịch vụ nông nghiệp thông thường, nhiều HTX đã hướng đến mục tiêu “làm chủ thị trường” và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền) Huỳnh Trung Thành cho biết: Trong vụ hè thu 2016 này, HTX tiếp tục thử nghiệm gieo trồng 30ha lúa theo chuẩn VietGAP. Ở mô hình này, lúa sau thu hoạch sẽ được kiểm tra nhật ký trồng trọt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Nếu việc thử nghiệm thành công, lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP tiêu thụ tốt, HTX sẽ nhân rộng trong toàn thể thành viên. Với 726 thành viên, tổng diện tích đất canh tác của HTX An Nhứt là 222ha. Ngoài cung ứng dịch vụ sản xuất nông nghiệp, HTX đã mạnh dạn đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước tự chủ việc sản xuất lúa giống, đưa cơ giới hóa vào tất cả các khâu, nhất là sau thu hoạch, nhờ đó năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt. Số lượng thành viên đăng ký vào HTX tăng dần hằng năm. Cuối năm 2015, HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng ba. Giám đốc Huỳnh Trung Thành là một trong số 150 cán bộ quản lý HTX tiêu biểu toàn quốc được Liên minh HTX Việt Nam trao Bằng chứng nhận danh hiệu cán bộ quản lý tiêu biểu toàn quốc năm 2014. Từ khi chuyển đổi sang mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012, ngoài sản xuất lúa nước, HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt còn mở ra 13 loại hình dịch vụ phục vụ nông nghiệp, dân sinh, quản lý chợ… với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Hiện, HTX đang áp dụng rất hiệu quả mô hình mua chung - bán chung - sử dụng dịch vụ chung và tín dụng nội bộ.

Tương tự như vậy, chỉ với hơn 200 triệu đồng vốn ban đầu, đến nay, sau bảy năm thành lập, HTX Tam Phước (huyện Long Điền) đã có doanh thu gần 40 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, sản phẩm trứng gia cầm của HTX luôn trong tình trạng “cháy” hàng. Đại diện HTX Tam Phước cho biết: Dây chuyền công nghệ xử lý trứng sạch của HTX thuộc loại hiện đại, với chu trình khép kín. Trứng sau khi đưa từ các trang trại về sẽ được kiểm dịch. Sau khi được xử lý ô-zôn, trứng được đưa vào hệ thống rửa bằng băng chuyền tự động; tiếp đó, được xử lý bằng tia cực tím để kiểm tra và loại bỏ trứng không đạt yêu cầu. Cuối cùng trứng được chuyển vào buồng sấy khô và đóng gói. Với quy trình này, sản phẩm của HTX Tam Phước có thể nói là “siêu sạch”. Đây chính là lý do mà mặt hàng trứng gia cầm của Tam Phước đang được tiêu thụ mạnh không chỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, mà ở cả các tỉnh Nam Bộ.

Hoạt động hiệu quả của các HTX nông nghiệp là những tín hiệu khả quan để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 6 đã đề ra.

Nguồn: Nhân dân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo