Cần công khai hơn 800 sản phẩm vật tư thủy sản lưu hành trái phép
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2013 đến 2015, Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (gọi tắt là Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định), thuộc Tổng cục Thủy sản, đã cấp chứng nhận cho hơn 800 sản phẩm, gồm 668 sản phẩm dùng cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản và 140 sản phẩm thức ăn thủy sản của 72 doanh nghiệp mà không qua kiểm định chất lượng, gây thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản.
|
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (TP Cần Thơ) |
Mua - bán giấy phép chui
Qua xác minh, vụ việc nêu trên, mới đây Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc nhiều cán bộ liên quan, nhưng danh sách hơn 800 sản phẩm vật tư thủy sản lưu hành trái phép trên thị trường, cũng như danh sách 72 doanh nghiệp có sản phẩm chứng nhận trái phép lại chưa được công bố.
Trao đổi chung quanh vụ việc này, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Nguyễn Hữu Dũng, người gắn bó lâu năm với ngành thủy sản nêu quan điểm: Theo quy định, các sản phẩm thức ăn, và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản trước khi lưu hành trên thị trường phải được trung tâm chứng nhận chất lượng và được Tổng cục Thủy sản cấp phép lưu hành. Tuy nhiên, hơn 800 sản phẩm đã đi theo “con đường” khác để được bán ra thị trường, đó là dựa vào việc mua, bán giấy phép lưu hành. Vì Tổng cục Thủy sản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa công bố danh sách các sản phẩm lưu hành trái phép, cho nên ở thời điểm hiện nay, chúng ta cũng chưa thể biết chất lượng của chúng có bảo đảm hay không, mức độ độc hại đến đâu, và ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Nhưng có thể khẳng định sự việc này là hành động hoàn toàn trái pháp luật của trung tâm.
Lý giải về “kẽ hở” dẫn đến tình trạng gian dối trong kiểm nghiệm, hay mua, bán giấy phép lưu hành sản phẩm như đã xảy ra, ông Dũng cho rằng: Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản là một đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng kiểm nghiệm sản phẩm theo yêu cầu của Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên, đây là đơn vị độc quyền, cho nên kết quả kiểm định của trung tâm hiện không chịu sự phán xét của bất cứ một đơn vị nào khác. Còn Tổng cục Thủy sản là đơn vị sau cùng ký quyết định lưu hành sản phẩm nhưng cũng trên cơ sở chủ yếu dựa vào kết quả kiểm nghiệm của trung tâm. Do đó, những chuyện tiêu cực như vừa rồi rất dễ xảy ra và Tổng cục Thủy sản cũng không thể “vô can”.
Cần xóa bỏ độc quyền
Để hạn chế tình trạng này, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng: Cần thiết phải xóa bỏ độc quyền trong kiểm nghiệm của Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thông qua việc cho phép những phòng kiểm nghiệm tư nhân, độc lập thuộc các công ty, đơn vị khác có đủ chứng nhận quốc tế về chất lượng tham gia vào quá trình kiểm nghiệm các sản phẩm.
Hiện, chúng ta đã có nhiều phòng kiểm nghiệm đạt chất lượng quốc tế nhưng chưa được đưa vào phục vụ mục đích này. Khi đó Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định có thể đóng vai trò như một đơn vị kiểm nghiệm đối chứng, nghĩa là khi có trục trặc, nghi vấn giữa doanh nghiệp có sản phẩm kiểm nghiệm với phòng kiểm nghiệm thì họ có thể đưa sản phẩm lên trung tâm để kiểm nghiệm lại. Kết quả của trung tâm đóng vai trò như trọng tài để ra quyết định cuối cùng sản phẩm có bảo đảm chất lượng hay không? Đây cũng là cách làm của nhiều quốc gia trên thế giới. Tất nhiên, không thể nói là khi xóa bỏ độc quyền của trung tâm này thì sẽ chấm dứt được mọi gian dối trong vấn đề kiểm nghiệm. Nhưng có điều sẽ hạn chế được phần nào, vì khi có các bên liên quan làm cùng nhiệm vụ thì mỗi đơn vị hoàn toàn có thể yêu cầu kiểm nghiệm lại bất cứ lúc nào nếu cảm thấy có chuyện khuất tất. Khi đó, doanh nghiệp cũng khó có thể mua được giấy phép lưu hành, nếu có sự giám sát của cùng lúc nhiều đơn vị kiểm nghiệm.
Ngày 21-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ việc làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để có hình thức xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời, công bố công khai các sản phẩm không bảo đảm chất lượng và có biện pháp xử lý kiên quyết, không để lưu hành các sản phẩm sai quy định, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-8-2016.
Với yêu cầu này, Tổng cục Thủy sản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương vào cuộc, xem xét đánh giá lại toàn bộ sự việc để có kết luận và hướng xử lý kiên quyết.