Nâng cao tính bền vững mô hình canh tác tôm - lúa ở đồng bằng sông Cửu Long
Tại thành phố Bạc Liêu (Bạc Liêu), vừa qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp tỉnh Bạc Liêu tổ chức Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp năm 2016. Nhiều nhà khoa học, đại diện các viện, trường đại học, doanh nghiệp, lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố và gần 200 nông dân sản xuất điển hình trong vùng ĐBSCL tham dự.
|
Quang cảnh Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp năm 2016 |
Với chủ đề “Giải pháp nâng cao tính bền vững của mô hình canh tác tôm - lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Diễn đàn đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp mang tính bền vững như: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng tôm lúa ở vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, trên cơ sở xem xét hiệu quả nuôi tôm, trồng lúa và tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống canh tác, việc quy hoạch phải mang tính động, thích ứng với những thay đổi do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh. Chọn tạo các giống lúa có khả năng chịu mặn ở môi trường cao hơn 5 phần nghìn, có thời gian sinh trưởng ngắn…
Theo ông Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện nay, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi hơn 620 nghìn ha, chiếm hơn 91% diện tích nuôi tôm cả nước, sản lượng đạt hơn 484 nghìn tấn, chiếm hơn 80% sản lượng tôm nuôi cả nước. Riêng sáu tháng đầu năm 2016, nông dân trong vùng thả nuôi đạt hơn 585 nghìn ha. Đặc biệt, mô hình canh tác tôm - lúa phát triển mạnh mẽ hơn 15 năm gần đây.
Hiện nay, nuôi tôm nước lợ, tôm - lúa vùng ĐBSCL chiếm một vị trí hết sức quan trọng đối với kinh tế của vùng và cả nước, tạo công ăn việc làm, thu nhập và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong thời gian qua mô hình sản xuất này còn gặp nhiều khó khăn, trong đó lo ngại nhất là nguồn giống phục vụ nhu cầu sản xuất chưa được chủ động, chưa bảo đảm chất lượng; hạ tầng thủy lợi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp - thoát nước chưa đáp ứng nhu cầu nên gây khó khăn cho công tác sản xuất và kiểm soát dịch bệnh; sản xuất tôm - lúa phần lớn ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, kỹ thuật chưa bảo đảm, năng suất còn thấp, thiếu bền vững…