Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) mùa khô vừa qua, hơn 120 nghìn ha cây công nghiệp (chủ yếu là hồ tiêu, cà-phê, điều) của cả nước bị ảnh hưởng do hạn hán. Sau nắng hạn, các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp khôi phục sản xuất.
Còn nước, còn tát
Đợt hạn hán vừa qua, Tây Nguyên là vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 110 nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng. Trong đó, diện tích mất trắng toàn vùng ước tính khoảng 7.586 ha, còn lại hơn 100 nghìn ha bị ảnh hưởng từ 30 đến 70%, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Gia đình ông Nguyễn Thanh Minh ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, tỉnh Đác Lắc trồng được hai ha cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Trong mùa khô vừa qua, do thiếu nước tưới trầm trọng khiến vườn cà-phê bị giảm năng suất từ 50 đến 70%. Ông Minh xót xa: “Hai ha cà-phê này là tài sản lớn nhất của gia đình tôi, nhưng trong mùa khô vừa qua, do thời tiết khô hạn kéo dài cho nên hơn một nửa vườn bị cháy khô, diện tích còn lại cũng bị giảm năng suất mạnh. Bao nhiêu vốn liếng đổ cả vào vườn cà-phê, giờ mất mùa thế này gia đình tôi không biết sống sao?”. Cũng giống như gia đình ông Minh, thu nhập của người dân ở xã Ea Sol chủ yếu trông chờ vào cây cà-phê, mùa khô hạn vừa qua họ phải chịu tổn thất nặng nề. Do vậy, ngay khi có mưa người dân nơi đây đã tập trung các biện pháp kỹ thuật để cứu cây, hy vọng vớt vát được chút nào hay chút đó.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, những diện tích bị ảnh hưởng do hạn sẽ bị giảm năng suất, sản lượng trong nhiều vụ tiếp theo nếu không được chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng kịp thời. Do vậy, từ cuối tháng 5, khi khu vực Tây Nguyên bắt đầu có mưa giông trên diện rộng, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà-phê đã ra đồng làm vệ sinh vườn cây, tu bổ, nạo vét lại các bồn cà-phê để bón phân hạn chế rửa trôi, đồng thời, tổ chức cắt tỉa cành, chồi, cành tăm, cành sát mặt đất, cành sâu bệnh hại, cành khô… tập trung dinh dưỡng nuôi cây phục hồi, nuôi quả phát triển.
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đác Lắc Huỳnh Quốc Thích cho biết, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và dự phòng của địa phương, tỉnh đã phân bổ và hỗ trợ kịp thời cho các huyện để hỗ trợ người dân mua cây giống, phân bón. Riêng đối với các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị như cà-phê, hồ tiêu…, tỉnh khuyến khích và hướng dẫn người dân tập trung áp dụng kỹ thuật chăm sóc nhằm bổ sung chất dinh dưỡng cho vườn cây. Đồng thời, tỉnh khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích cà-phê, hồ tiêu ở những chân đất không phù hợp; không ồ ạt chặt cao-su để chuyển sang các cây trồng khác…
Giải pháp lâu dài
Trưởng phòng Cây Công nghiệp - Cây ăn quả (Cục Trồng trọt - Bộ NN và PTNT) Nguyễn Đức Mạnh cho rằng, để khôi phục sản xuất sau hạn, các địa phương cần tích cực thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ.
Cụ thể, đối với vườn cà-phê lá, cành đã bị khô và rụng trầm trọng, thiệt hại năng suất 70 - 100% cần xem xét tình trạng của cây để tiến hành ghép cải tạo, cưa đốn phục hồi, trồng tái canh. Đối với vườn cà-phê bị chết cây thuộc vùng đất dốc, tầng đất mỏng, những năm gần đây liên tục bị thiếu nước, về lâu dài không chủ động được nguồn nước tưới cần chuyển đổi sang cây trồng khác có nhu cầu sử dụng nước ít hơn. Đối với vườn cà-phê bị ảnh hưởng của hạn hán ở mức độ nhẹ và trung bình, năng suất bị giảm từ 30 đến 70% có thể tiến hành đốn tỉa và tạo tán, tiến hành bổ sung cây che bóng, bón phân đúng liều lượng và kịp thời. Riêng với cây hồ tiêu, tùy theo mức độ thiệt hại, loại hình mà cân nhắc áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp như: che lưới cản sáng, giảm thoát hơi nước; tăng cường biện pháp tủ gốc giữ ẩm. Nếu nguy cơ không có mưa, cần tưới bổ sung cho cây, lượng nước tưới bằng 50% so với bình thường. Đồng thời, cắt cành, tạo tán kịp thời, cắt bỏ các cành yếu, cành sát mặt đất để giúp cây tiêu tập trung dinh dưỡng chuẩn bị ra hoa đậu quả tốt...
Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), vấn đề quan trọng nhất để cây công nghiệp có thể ứng phó được diễn biến bất lợi của thời tiết là cần có các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong việc quản lý nước tưới, nhất là việc áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến cho cây cà-phê một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Viện trưởng WASI, Tiến sĩ Lê Ngọc Báu cho biết, thời gian qua, viện đã nghiên cứu và ứng dụng thành công hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cây cà-phê. Hệ thống này được lắp đặt đơn giản, giá chỉ từ 20 đến 40 triệu đồng/ha
(tùy vật liệu); lượng nước tưới được phân phối trực tiếp đến từng cây 60-80 lít/giờ/gốc, thời gian tưới chỉ cần tối đa từ bốn đến năm giờ là đủ lượng nước cho cây ra hoa hiệu quả và tập trung. Ngoài ra, việc kết hợp bón phân qua nước cho phép cung cấp dinh dưỡng đều đặn và chủ động, tăng hiệu quả sử dụng và giảm ô nhiễm môi trường. Theo kết quả thử nghiệm tại nhiều vườn cà-phê cho thấy, các mô hình tưới nước tiết kiệm có thể tiết kiệm được hơn 20% lượng nước tưới và lượng phân bón, tiết kiệm được 15 triệu đồng/ha mà cây vẫn phát triển tốt, không bị ảnh hưởng tới năng suất. Do vậy, cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân áp dụng rộng rãi công nghệ tưới tiết kiệm nước, như tưới nhỏ giọt, tưới phun…
Cùng với đó, các địa phương cần tiến hành điều tra cơ bản nguồn nước, lập quy hoạch các hồ chứa nước, đánh giá thực trạng công trình thủy lợi để điều chỉnh quy hoạch tổng hợp phát triển tài nguyên nước, quản lý khai thác tài nguyên đất, nước cho phù hợp với từng vùng sản xuất.