Bất bình trước tình trạng gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam bán giá “rẻ bèo”, ngày 28.7, Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương, yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm này.
|
Đùi gà Mỹ nhập khẩu được bán trong một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Đ.D |
Nghịch lý thịt gà giá… 20.000 đồng/kg
Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước cho biết, thịt gà đông lạnh, chủ yếu là đùi gà nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam ngày càng nhiều. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt gia cầm đông lạnh các loại, trong đó thịt gà nhập khẩu chiếm 1/3 tổng lượng thịt gà công nghiệp nuôi trong nước.
Điều bất hợp lý là giá nhập khẩu và bán đùi gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam bán với giá rất rẻ, chỉ chưa tới 1 USD/kg, tức khoảng 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán đùi gà tại các siêu thị Mỹ rất cao, ở mức 2,5-4 USD/kg, tức khoảng 50.000 - 80.000 đồng/kg.
“Thật là vô lý khi cùng một chủng loại hàng hóa mà giá bán tại Mỹ lại cao gấp 2-4 lần giá bán tại Việt Nam. Với giá này thì không công ty hay người chăn nuôi trong nước nào có thể cạnh tranh nổi”,-ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước phân tích.
Trong khi đó, tình hình thua lỗ kéo dài vừa qua đã khiến người chăn nuôi trong nước “mệt mỏi”. Suốt từ đầu năm 2015 đến nay, giá gà bán ra tại các trang trại chỉ ở mức dưới 25.000 đồng/kg trong khi giá thành lên tới 26.000-27.000 đồng/kg.
Hơn nữa, Việt Nam chuẩn bị gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), sức cạnh tranh của thịt gà nhập ngoại sẽ còn lớn hơn nữa, “gà nhà” có nguy cơ thừa ế. “Do đó, Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT cùng các cơ quan liên quan tiến hành điều tra chống bán phá giá với mặt hàng đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ để có những biện pháp đối phó phù hợp cũng như hỗ trợ để đem lại sự công bằng cho người chăn nuôi gà trong nước”- Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Mạnh Hùng viết trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ.
Phải tạo điều kiện cho xuất khẩu
Theo lý giải của ông Hùng, thịt gà đông lạnh nhập khẩu về nhiều với giá rẻ do thói quen tiêu dùng tại các nước phát triển chủ yếu là dùng thịt ức gà, còn đùi, cánh, chân được bán đi với giá thấp hơn nhiều. Ngược lại, tại Việt Nam, đùi, cánh, chân gà lại là các mặt hàng có giá cao nhất còn ức gà có giá thấp hơn.
Với trình độ chăn nuôi của nông dân Việt Nam hiện nay, giá thành sản xuất gà công nghiệp của chúng ta đã ngang bằng với các quốc gia trong khu vực và hoàn toàn có thể xuất khẩu sang các quốc gia phát triển khác như Nhật Bản, New Zealand, các quốc gia Đông Âu đối với phần ức gà. Thái Lan là nước có nền chăn nuôi và giá thành tương đồng Việt Nam nhưng mỗi năm họ xuất khẩu thịt heo, gà với giá trị lên đến trên 4 tỷ USD và hầu như không có hàng nhập khẩu. Ngược lại, Việt Nam đã phải bỏ ra hàng trăm triệu USD nhập khẩu thịt gà nhưng không xuất khẩu được. Nguyên nhân chính là do vướng mắc ở khâu thú y. Hiện nhiều trang trại và công ty trong nước đã đầu tư hệ thống chăn nuôi và chế biết thịt gà đạt tiêu chuẩn thế giới mà không xuất khẩu được.
“Sản phẩm thịt gà Việt Nam được khách hàng tại các quốc gia phát triển lấy mẫu, phân tích và khẳng định đạt tiêu chuẩn nhập khẩu vào nước họ. Thế nhưng khi bán hàng, các công ty vướng mắc ở khâu thú y không thể xuất khẩu được khiến cho kế hoạch kinh doanh bị phá sản”- ông Hùng cho biết. Vì vậy, Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT nhanh chóng hỗ trợ các thủ tục liên quan cho doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà. Cụ thể, đề nghị các bộ làm việc với các quốc gia nhập khẩu tiềm năng để ký kết các thỏa thuận về thú y và thương mại, đề nghị Cục Thú y hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cấp phép các cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Bình Phước có hơn 3.000 trang trại nuôi gà với vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng của các hội viên phải đối mặt với thua lỗ vì không cạnh tranh nổi với gà nhập khẩu giá rẻ. Còn nếu tính cả nước, con số này lớn hơn nhiều. Hiện số tiền nông dân vay ngân hàng đầu tư trại gà lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.