Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, cho biết, Chính phủ thống nhất tình hình tháng 9 và 9 tháng kinh tế tăng trưởng tương đối theo hướng bền vững, dù chưa có gì đột phá nhưng trên đà này có thể nói cuối năm nay sẽ đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Về GDP, tháng trước nói cố gắng đạt 5,8% thì đến giờ này có thể thấy chỉ số đó là khả thi. Trong quá trình thảo luận, một số đại biểu tham gia thảo luận và thành viên Chính phủ nhận định nếu nỗ lực hơn thì có thể đạt 5,9% hoặc hơn. Đó là tín hiệu vui, thành công này là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong đó có cộng đồng doanh nghiệp.
Tình hình các hoạt động khác về văn hóa-xã hội nói chung được bảo đảm, an ninh quốc phòng được giữ vững. Trong 9 tháng đầu năm, thành tựu lớn nhất là giữ yên được đất nước trong bối cảnh nhiều thử thách. Nếu không có những thử thách đó thì tình hình KTXH tăng trưởng có thể khả quan hơn nữa.
Tuy nhiên, trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng lưu ý mặc dù kinh tế tăng tưởng với tốc độ như vậy, đồng đều như vậy nhưng không được thỏa mãn, chủ quan mà phải nhìn nhận hết những mặt tốt để phát huy, những yếu kém, những mặt chưa được để khắc phục, tạo đà cho năm 2015 thực hiện mục tiêu mà Trung ương, Quốc hội đã giao.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, trong đó tiếp tục kiểm soát lạm phát, xem xét điều chỉnh lãi suất cho hợp lý theo tín hiệu thị trường, đảm bảo tăng dư nợ tín dụng đi cùng với chất lượng tín dụng, góp phần tăng tổng cầu. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá lại tình hình nợ công và một số tiêu chí khác trong lĩnh vực tài chính. Hiện nay cách nhìn nhận, tiếp cận nợ công chưa thống nhất; bộ chức năng phải tính toán thật sát, đúng, báo cáo đầy đủ để nhân dân biết, Đảng và Quốc hội nắm.
Câu hỏi liên quan đến vấn đề nông nghiệp đang được Chính phủ rất quan tâm. Nước ta là nước sản xuất nông nghiệp rất lớn, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt 27 tỷ. Thế nhưng, chúng ta vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng vật tư nông nghiệp, mỗi năm lên tới hơn 12 tỷ đô la Mỹ. Trước thực trạng này, Bộ trưởng có thể cho biết giải pháp của Chính phủ thế nào để hạn chế nhập khẩu các loại vật tư mà trong nước chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất được để có thể tăng hiệu quả và giúp giảm giá thành cho nông dân?
Liên quan đến việc chúng ta là nước sản xuất được rất nhiều loại trái cây nhưng thực trạng là hiện nay trên thị trường Việt lại tràn ngập các loại trái cây ăn quả nước ngoài mà cụ thể là Thái Lan. Nếu chúng ta không giải quyết tình trạng này triệt để thì nguy cơ là nông dân của chúng ta bị thua thiệt và bị giảm mất hiệu quả, năng suất ngay trên sân nhà. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới?
Trả lời vấn đề trên Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, cho hay, về vấn đề sản xuất và nhập những nguyên liệu mà nông dân có thể sản xuất được, chúng ta quan tâm từ lâu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay cả Quốc hội và trên các diễn đàn kinh tế cũng đặt ra vấn đề này. Hiện nay, chỉ đạo của Chính phủ là đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, với một đề án rất rộng nhưng chia ra từng lĩnh vực cụ thể: Sản xuất như thế nào, tiêu thụ ra làm sao, mặt hàng nào sản xuất để xuất khẩu, mặt hàng nào để tiêu thụ trong nước? Thị trường trong nước chúng ta hiện nay rất phong phú. Thời gian qua, mỗi phiên họp của Chính phủ đều đưa ra vấn đề tái cơ cấu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp bởi vì nông dân chúng ta hiện nay đa số, người lao động của chúng ta đa số làm nông nghiệp.
Để khắc phục tình trạng chúng ta có thể sản xuất được mà vẫn nhập thì trong tái cơ cấu nông nghiệp, một vấn đề đặt ra là chúng ta phải đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ vào đồng ruộng, vào từng hoạt động nông nghiệp cụ thể để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị; tái cơ cấu từng cây trồng, vật nuôi; đáp ứng về GAP; tái cơ cấu gắn với quy hoạch lại từng khu vực sản xuất…
Vấn đề thứ 2 là trong cơ chế thị trường, việc tương tác qua lại, trao đổi, giao lưu, mua bán hàng hóa là việc rất bình thường. Chúng ta làm thế nào để quản lý cho được chất lượng sản phẩm. Cái chúng ta nhập có đảm bảo không? Rồi làm thế nào nâng cao chất lượng sản phẩm mà mình làm ra khi chúng ta xuất khẩu để có thể cạnh tranh được với thị trường, v.v... Riêng vấn đề này cũng là một đề án nằm trong tổng thể tái cơ cấu chung của ngành nông nghiệp.