Đẩy mạnh sản xuất vải thiều theo VietGAP
14:48 - 28/07/2015
(TNNN)- Những năm gần đây, người nông dân đẩy mạnh sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP giúp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU hay bán ở hệ thống phân phối hiện đại với giá cao đã mở ra một hướng đi đúng đối với sản xuất nông nghiệp hiện đại. Việc đẩy mạnh sản xuất vải thiều chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP đang là xu thế tất yếu trong sản xuất vải thiều. 
Ảnh minh họa

Năm nay, vải thiều chất lượng cao sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được khách hàng ưa chuộng nên tiêu thụ rất thuận lợi. Ngay từ đầu vụ vải VietGAP đã được nhiều doanh nghiệp đặt cọc và cam kết thu mua với giá cao hơn vải thường từ 10-20%, giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
 
Không những vải được mùa, bán được giá mà quả vải VietGAP còn được xuất khẩu đi Mỹ, Úc và được doanh nghiệp đưa vào bán ở nhiều siêu thị tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM...
 
Thâm canh theo tiêu chuẩn VietGap giúp người trồng vải thực hiện các biện pháp kỹ thuật một cách đồng bộ, sản xuất vải an toàn đạt các tiêu chí: Không tồn tại dịch hại nguy hiểm trên qủa vải thương phẩm; Dư lượng thuốc BVTV dưới mức cho phép; Không có vi khuẩn đường ruột Salmonella và độc tố sinh học; Đạt các tiêu chuẩn mẫu mã vải thương phẩm...
 
Sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP mất nhiều thời gian, công sức hơn so với sản xuất bình thường. Những người trồng vải cho biết, mọi khâu tỉa cành, bón phân, phun thuốc trừ sâu… đều phải tuân thủ. Áp dụng VietGAP thì sản lượng vải tăng lên khoảng 10 - 20%, chất lượng quả rất tốt. Nhìn bằng mắt thường, người ta cũng dễ dàng nhận thấy quả vải VietGAP có mầu sắc đẹp hơn, hiện tượng sâu đục cuống hầu như không còn.
 
Năm 2015, vải thiều Bắc Giang tiếp tục giành thắng lợi. Bắc Giang đã mở rộng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh, tập trung ở huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam và Yên Thế với khoảng 12.200 ha, cho sản lượng gần 80 nghìn tấn. Đồng thời, triển khai sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Lục Ngạn với quy mô hơn 100 ha cho sản lượng khoảng 1.000 tấn để phục vụ xuất khẩu vào các thị trường mới, khó tính.
 
Năm nay, giá vải thiều bình quân tăng khoảng 3 nghìn đồng/kg. Với sản lượng ước đạt 190 nghìn tấn đã tăng giá trị từ vải khoảng 570 tỷ đồng, góp phần đưa giá trị sản xuất từ vải thiều của tỉnh Bắc Giang đạt gần 3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, sản lượng vải tiêu thụ nội địa đạt gần 90 nghìn tấn. Riêng thị trường TPHCM và các tỉnh phía Nam tiêu thụ khoảng 51 nghìn tấn, chiếm gần 60% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.
 
Tại Hải Dương, vụ vải 2015, cả 2 vùng vải lớn của tỉnh là Thanh Hà và Chí Linh đều được mùa, tổng sản lượng ước đạt trên 50 nghìn tấn, trong đó vải thiều chính vụ khoảng 38 nghìn tấn. Trong năm 2015, việc xây dựng các vùng vải theo quy trình VietGAP tiếp tục được đẩy mạnh, toàn tỉnh đã xây dựng được thêm 5 mô hình với tổng diện tích 100 ha. Đến nay, Hải Dương đã có tổng cộng 25 mô hình vải VietGAP, với tổng diện tích trên 250 ha, sản lượng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP khoảng gần 1.500 tấn. Nhằm sẵn sàng nguồn cung cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, trong vụ vải này, Hải Dương đã xây dựng được khoảng 20 ha vải thiều theo quy trình GlobalGAP, hiện đã được Cục BVTV cấp mã số đối với 2 vùng trồng.
 
Ở nhiều quốc gia trên thế giới ngoài VietGAP, nông sản còn phải đạt tiêu chuẩn cao hơn như: GlobalGAP, EuroGAP… Điển hình như để đưa được quả vải thiều vào các thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu, nhất định phải có chứng nhận VietGAP, còn muốn vào Hoa Kỳ phải có thêm tiêu chuẩn chiếu xạ.
 
Tuy nhiên, dù sản xuất theo đúng quy trình, nhưng để được chứng nhận là vải VietGAP khi đưa ra thị trường cũng khá tốn kém. Theo tính toán, trung bình 1ha vải thiều VietGAP muốn có giấy chứng nhận để đưa ra thị trường phải mất 5-7 triệu đồng, gồm các chi phí về: Quản lý quy trình; phân tích mẫu đất, mẫu nước; phân tích quả vải xem có sâu, bệnh hại nào không; có đảm bảo dư lượng thuốc BVTV ở giới hạn cho phép hay không… Chứng nhận này chỉ có giá trị 1 năm, năm sau phải làm lại. Do quá tốn kém nên năm 2014 huyện Lục Ngạn có 8.500ha vải thiều trồng đúng quy trình VietGAP, nhưng chỉ khoảng 320ha được cấp chứng nhận.
 
Nông sản sạch sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành trồng trọt và là xu hướng tất yếu trong tiêu dùng. Đặc biệt, nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân mấy năm gần đây tăng mạnh sẽ tạo động lực để mở rộng diện tích sản xuất vải thiều theo hướng VietGAP. Thời gian tới, các tỉnh trồng vải thiều sẽ mở rộng diện tích trồng vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để chinh phục các thị trường mới, giảm dần phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc và nâng cao chất lượng giá thành, góp phần tăng thu nhập cho người trồng vải.

Nhật Minh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo