Nhiều doanh nghiệp cho hay họ không thể xuất khẩu được thịt gà VN dù đạt mọi tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính và đối tác đặt hàng bởi vướng ở khâu thú y.
|
Gà rán, gà viên chiên, gà xiên que... chế biến từ ức gà đang được nhiều quốc gia nhập khẩu nhưng vướng thủ tục thú y. Trong ảnh là công nhân chế biến thịt gà cho các nhà hàng thức ăn nhanh tại Công ty Koyu & Unitek, Đồng Nai - Ảnh: T.Mạnh |
Nếu cơ quan thú y của VN đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mỗi năm VN có thể xuất khẩu hàng tỉ USD thịt gà như Thái Lan thay vì phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn đùi, cánh gà như hiện nay.
Chỉ còn vướng mỗi thú y
Cách đây hơn hai năm, ông Nguyễn Minh Kha - chủ trang trại gà tại Đồng Nai - quyết định ngưng hợp tác theo hình thức nuôi gà gia công cho một công ty nước ngoài để liên kết trong chuỗi sản phẩm sạch của một công ty nước ngoài khác đến từ Nhật.
Theo ông Kha, sau khi nghe phía công ty Nhật trình bày về kế hoạch kinh doanh và xuất khẩu, dù biết chuyển sang làm ăn với Nhật sẽ vất vả hơn nhưng có nhiều tiềm năng và lợi nhuận hơn nên ông quyết định chuyển toàn bộ gần 30 trại gà công nghiệp sang quy trình chăn nuôi của phía Nhật.
Theo đó, toàn bộ công thức cám cho gà đều do phía Nhật Bản quy định, trong cám không có chất vàng da (thường được sử dụng để làm da và chân gà có màu vàng trông đẹp hơn và người tiêu dùng thích hơn).
Họ cũng giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng các loại chất kháng sinh trong chăn nuôi theo hướng giảm tối đa. Đến giai đoạn cuối của quá trình nuôi không được sử dụng kháng sinh nữa để đảm bảo con gà xuất chuồng là gà sạch.
Công ty Nhật cũng đã nhập khẩu gà giống về VN nhân nuôi để ra gà con bán cho các trang trại liên kết theo quy trình sạch bệnh nên gà không phải tiêm văcxin cúm gia cầm trong cả quá trình nhân giống và nuôi thương phẩm.
Trong suốt quá trình nuôi, đối tác Nhật Bản cũng thường xuyên cử nhân viên tới trang trại để kiểm soát và lấy mẫu đi phân tích các chỉ tiêu chất lượng trước khi bắt gà.
“Làm với Nhật Bản khó hơn nhiều so với nuôi thông thường nhưng tôi vẫn quyết định hợp tác với họ vì sản phẩm làm ra sẽ được xuất khẩu nên có giá cao hơn”, ông Kha nhớ lại thời điểm bắt tay với đối tác Nhật.
Thế nhưng, khi những lứa gà đầu tiên nuôi thành công theo quy trình Nhật Bản, sản phẩm gà chế biến cũng đạt mọi yêu cầu của khách hàng Nhật, cả công ty và ông Kha đều “mất ngủ” vì không thể xuất khẩu được do vướng các quy định về thú y.
Ông Kha cho hay phía Nhật Bản nói rằng do chưa có ký kết thỏa thuận thú y giữa hai nước VN - Nhật Bản nên họ chưa cho hàng có nguồn gốc động vật của VN vào. Phía công ty Nhật tại VN cũng ngỡ ngàng với quy định này vì Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu gia cầm đứng hàng thứ ba thế giới và đang nhập khẩu rất nhiều sản phẩm gà từ Thái Lan.
Chính vì vậy, dù đã hơn hai năm hợp tác, đến nay ông Kha vẫn bán gà cho công ty Nhật với giá chỉ ngang bằng giá gà nuôi thông thường. Phía công ty Nhật Bản cũng phải tìm cách tiêu thụ gà tại VN với giá bán thấp do không được xuất khẩu.
Không dám mở rộng đầu tư
Dẫn chúng tôi tham quan nhà máy tại Khu công nghiệp Long Bình (Đồng Nai), ông James Hieu Nhon Khuu, tổng giám đốc Công ty Koyu & Unitek, cho biết toàn bộ quy trình chăn nuôi đến giết mổ và chế biến của đơn vị này đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Sản phẩm làm ra đã được phía đối tác đem về Nhật phân tích và đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Khách hàng Nhật cũng đã gửi đơn đặt hàng với số lượng lớn cho Koyu & Unitek nhưng khi đi làm thủ tục mới biết rằng không thể xuất khẩu.
“Khách hàng Nhật nói với chúng tôi rằng do VN và Nhật chưa ký thỏa thuận về thú y nên chưa cấp phép nhập khẩu hàng từ VN, kể cả các sản phẩm đã chế biến chín” - ông James Hieu cho biết. Để tỏ rõ thiện chí muốn mua hàng từ VN, khách hàng Nhật đã chủ động liên hệ với cơ quan chức năng của Nhật để xin hướng dẫn các thủ tục cần thiết và chuyển cho phía Koyu & Unitek làm việc với cơ quan thú y của VN.
Thế nhưng, theo ông James Hieu, khi đem các yêu cầu này của phía Nhật liên hệ với một số cơ quan thú y VN thì chỉ nhận được hướng dẫn làm đơn xin hỗ trợ để chuyển lên cấp cao hơn. Đến nay công ty vẫn chưa biết cần liên hệ với cơ quan nào và đến bao giờ mới được giải quyết cho xuất khẩu, trong khi mỗi tháng công ty đang giết mổ 500.000 con gà công nghiệp.
“Chúng tôi chưa dám đầu tư thêm máy móc chế biến vì chưa rõ khi nào mới xuất khẩu được”, ông James Hieu nói. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Quang, chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết do phía VN và Nhật Bản chưa ký kết hiệp định thú y và kiểm dịch động vật với nhau nên chưa thể xuất khẩu.
Một số công ty xuất khẩu thịt gà chế biến có liên hệ với đơn vị này để làm thủ tục xuất khẩu nhưng trách nhiệm này thuộc về Cục Thú y chứ không phải là thú y địa phương. Do đó ông Quang đề nghị các đơn vị chủ động làm việc với Cục Thú y để giải quyết.
Lỡ cơ hội
Cũng ở hoàn cảnh như ông Kha khi đã đầu tư xây dựng chuồng trại và chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi của Nhật mà chưa thể xuất khẩu, ông Âu Thanh Long, giám đốc Công ty Duy Cường (Đồng Nai), bức xúc cho rằng kế hoạch kinh doanh của công ty bị phá sản do thủ tục thú y của VN.
“Ngay trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã xuất khẩu thịt gà hàng chục năm nay rồi vì các cơ quan thú y của họ chuẩn bị từ sớm. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với các bộ ngành liên quan nhiều lần nhưng đến nay chưa được giải quyết” - ông Long nói.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, việc chưa thể xuất khẩu được các sản phẩm thịt gà vì thủ tục thú y là một thiệt hại không chỉ với một số công ty mà còn của cả ngành chăn nuôi VN.
Ngoài Nhật Bản, nhiều quốc gia khác như New Zealand, Nga và Đông Âu cũng có nhu cầu nhập gà từ VN nhưng doanh nghiệp không thể xuất khẩu. Trong khi đó, Thái Lan với các điều kiện tương đồng với VN thì xuất khẩu thịt heo, gà của họ mỗi năm lên đến trên 4 tỉ USD.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho biết cùng nằm trong khu vực có dịch cúm gia cầm như VN nhưng Thái Lan vẫn xuất khẩu được thịt gà đi nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản bởi vì cơ quan thú y của họ đã chủ động giải quyết các vướng mắc từ sớm để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, họ đã triển khai các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đảm bảo các điều kiện của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) nên dù chưa có thỏa thuận thú y giữa các quốc gia thì với các điều kiện cụ thể này, doanh nghiệp vẫn có thể xuất khẩu. Trong khi đó, đến nay cơ quan thú y của VN vẫn chưa triển khai các bước này.
Vẫn có thể
xuất khẩu sớm
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - nguyên giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI, nếu chứng minh được vùng nuôi an toàn dịch bệnh và quá trình chế biến đảm bảo các yêu cầu quốc tế, doanh nghiệp có thể xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chủ động liên hệ với Cục Thú y để xác nhận vùng nuôi của mình đạt tiêu chuẩn vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Cục Thú y sẽ mời cơ quan thú y nước nhập khẩu đến VN để kiểm tra, đánh giá các vùng nuôi, cơ sở giết mổ theo đúng quy trình. Nếu tất cả các điều kiện này đều đạt thì sẽ được cấp phép xuất khẩu.
==
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
với gia súc, gia cầm
Ông Nguyễn Xuân Dương, cục phó Cục Chăn nuôi, cho biết Bộ NN&PTNT và Cục Chăn nuôi cũng đang triển khai đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm giai đoạn 2014 - 2018 với mục tiêu xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh được Cục Thú y công nhận, đồng thời đáp ứng các quy định của Tổ chức Thú y thế giới để đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm sang các nước.
|