Bắc Giang trúng đậm vải thiều, thu hơn 4.000 tỷ đồng
07:20 - 30/07/2015
Theo lãnh đạo tỉnh, riêng doanh thu vải tươi đạt hơn 2.700 tỷ đồng, các dịch vụ phụ trợ là 1.700 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên tiêu thụ nội địa cao hơn xuất khẩu.
Lần đầu tiên tiêu thụ vải thiều nội địa của Bắc Giang cao hơn xuất khẩu. Ảnh: Giang Huy/VnExpress

Theo báo cáo sơ bộ của tỉnh, dự kiến được báo cáo tại hội nghị tổng kết vào tháng 8 tới, năm nay, tổng sản lượng vải thiều đạt 190.000 tấn quả tươi với giá bán bình quân khoảng 15.000 đồng mỗi kg. Doanh thu theo đó đạt 2.700 tỷ đồng, trong khi các dịch vụ phụ trợ cũng góp phần mang về cho kinh tế tỉnh 1.700 tỷ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho biết, thị trường tiêu thụ năm nay có sự thay đổi so với năm 2014. Theo đó, tiêu thụ nội địa chiếm 55% tổng sản lượng (năm 2014 chiếm 48%), thị trường xuất khẩu 45% (giảm 7% so với 2014).

Thay vì chỉ có mặt tại một số tỉnh, thành phố lớn như trước, quả vải đã được được tiêu thụ khắp toàn quốc. Tổng số lượng tiêu thụ nội địa là 104.500 tấn. Riêng thị trường phía Nam khoảng 62.700 tấn, chiếm 60%.

"Đây là năm đầu tiên tiêu thụ nội địa đã cao hơn xuất khẩu. Điều này chứng tỏ, sức tiêu thụ vải thiều trong nước còn rất lớn. Địa phương đã và đang chú trọng, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong những vụ tới đây", vị này khẳng định.

Năm nay, lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn được xuất ngoại sang Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Canada, các nước ASEAN. Sản lượng xuất khẩu đạt 85.500 tấn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất với 80.300 tấn, chiếm 94% tổng lượng xuất khẩu.

Lượng vải thiều xuất khẩu vào Mỹ, Australia còn khiêm tốn, theo lãnh đạo tỉnh, do đối tác đồng ý mở cửa thị trường cho vải thiều Việt Nam quá sát thời gian thu hoạch. Điều này, ít nhiều khiến các doanh nghiệp tiếp cận bỡ ngỡ. Thực tế, hiện nhiều đơn vị còn đang lúng túng trong công nghệ bảo quản trái vải tươi. Việc phải di chuyển vào Nam chiếu xạ phần nào đã đẩy chi phí tăng cao (chi phí vận chuyển, chiếu xạ chiếm gần 80% giá thành một kg vải). Do vậy, không nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia xuất khẩu.

Về vấn đề thương lái Trung Quốc, ông Thái cho biết dù không trực tiếp đứng ra thu mua, song, cao điểm tại Lục Ngạn, vẫn có trên 300 thương nhân có mặt để giám sát. Các năm trước, thời gian thu hoạch vải thiều của Bắc Giang và Trung Quốc lệch nhau. Tuy nhiên, vụ này, khi vải thiều địa phương đang vào cuối thì Trung Quốc bắt đầu chín rộ, do đó, 2/3 thương nhân Trung Quốc rút về nước sớm hơn dự kiến.

“Do điều tiết cung cầu thị trường nên giá vải cuối vụ đã ảnh hưởng và có giảm đáng kể. Theo quy luật hàng năm, cuối vụ giá vải thiều thường tăng cao hơn, vì vậy đã không ít hộ trồng giữ vải chậm thu hoạch để đợi giá", ông cho hay.

Thừa nhận có sự chênh lệch sản lượng giữa dự báo và thực tế, song ông Thái cho rằng tỷ lệ không quá lớn. Lúc này, vải thiều tươi Bắc Giang đã được tiêu thụ hết. Hiện còn một lượng vải thiều sấy khô và chế biến sẽ được tiêu thụ từ nay đến hết tháng 4 năm sau.

 
Nguồn: Vnexpress
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo