Thương hiệu gạo quốc gia: Cần tập trung vào một vài giống chủ lực
Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia không thể nói chung chung mà cần chọn ra một số giống lúa cụ thể đã được người nông dân sử dụng lâu năm, đã có thị trường và nghiên cứu khắc phục những nhược điểm hiện có nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
|
TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp |
Trao đổi với báo chí về ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong việc nâng cao chất lượng thương hiệu gạo Việt Nam, PGS. TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho rằng: Hiện còn nhiều bất cập trong sản xuất lúa gạo ở nước ta. Giá lúa gạo của Việt Nam thấp hơn thị trường thế giới vì gạo xuất khẩu của nước ta là hỗn hợp từ rất nhiều loại gạo và vì chúng ta có rất nhiều loại giống lúa.
“Trong một bao gạo xuất khẩu, chúng ta có thể tìm được 5-7 giống nên không tạo nện thương hiệu. Trong khi đó, trên thế giới, thương hiệu gạo cần có tiêu chuẩn về chiều dài hạt, độ trong hạt gạo, tỷ lệ protein, đường kính hạt và với cách sản xuất hiện nay của chúng ta chưa đạt,” PGS.TS Lê Huy Hàm nói.
Trong thời gian tới Việt Nam cần tập trung vào những giống lúa có tiềm năng sxất khẩu cao và xây dựng thương hiệu cho cụ thể một giống lúa nào đó, không phải thương hiệu gạo của Việt Nam nói chung.
“Thương hiệu gạo của Việt Nam nói chung hiện nay là bao gồm tất cả các loại gạo, nên chúng ta phải xây dựng thương hiệu cho một vài giống lúa chủ lực, như thế thế chúng ta mới thực sự có thương hiệu gạo thế giới. Lúc đó chúng ta mới có giá xuất khẩu cao,” TS. Lê Huy Hàm khẳng định.
TS. Lê Huy Ham cũng cho rằng: Theo kinh nghiệm của Thái Lan, họ xây dựng thương hiệu cho giống lúa gạo Jasmine chứ không tạo ra giống mới. Giống lúa này đã được trồng hàng trăm năm nay và họ chỉ khắc phục những điểm yếu của giống này bằng công nghệ, đồng thời giữ nguyên đặc tính nông sinh học và các đặc tính về chất lượng, thương hiệu. Vì thế, mặc dù người ta cải tiến nó nhưng người ta không đưa ra giống mới. Do đó, người nông dân đã quen với giống lúa này và quen với loại gạo này rồi nên người ta chấp nhận rất nhanh hầu như không mất thời gian để chấp nhận, không mất thời gian để phát triển thương hiệu cả trong nước và trên thị trường thế giới.
“Tất nhiên, chúng ta có nhiều điểm khác với Thái Lan. Chúng ta có 4 triệu ha chuyên trồng lúa và phải nuôi 94 triệu dân; Thái Lan có 11 triệu ha lúa và phải nuôi 60 triệu dân; do đó vấn đề năng suất với họ không quá quan trọng. Trong khi đó, với chúng ta vấn đề năng suất rất quan trọng, cho nên trong suốt 2-3 thập niên vừa qua chúng ta luôn chạy theo năng suất và không thể tạo ra những giống mới có năng suất cao hơn để đưa vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu lúa gạo của đất nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chúng ta đã nhìn thấy nhược điểm của hệ thống này và chúng ta sẽ từng bước giải quyết nó”, PGS. TS Lê Huy Hàm khẳng định.
Theo TS. Hàm, để cải tiến các giống lúa hiện nay chúng ta cần sử dụng công cụ của CNSH, cụ thể là chỉ thị phân tử. Bằng phương pháp này, chúng ta rà soát lại các giống lúa trồng đại trà hiện nay, đặc biệt là các giống có diện tích trồng hàng trăm ngàn ha trồng từ nhiều năm nay, thị trường chấp nhận rồi, người nông dân đã quen dùng rồi, và tìm ra đặc tính nào còn yếu và dùng chỉ thị phân tử cải tiến đặc tính đó.
Chẳng hạn như giống bắc thơm là giống rất tốt, trồng rất phổ biến ở Thái Bình, Nam Định và người nông dân không muốn bỏ giống này, nhưng nó bị bạc lá rất nặng. Chúng ta không tạo ra giống mới để thay thế nó mà chúng ta cải tiến cái đặc tính kháng bạc lá. Như thế chúng ta không mất thời gian để làm thị trường về hạt giống, không mất thời gian làm thị trường lúa gạo.
Tương tự chúng ta sẽ rà soát từ Bắc tới Nam những giống lúa trồng đại trà như thế và nó yếu đặc tính nào thì chúng ta cải tiến đặc tính đó và tiến tới tạo ra những giống lúa trồng đại trà bà con chấp nhận rộng, đa yếu tố. Lúc đó có lẽ mùa mang của bà con sẽ đảm bảo hơn.