30 tỷ con tôm giống bị đổ bỏ
22:22 - 28/07/2015
Có hơn 30 tỷ con giống tôm đã phải đổ bỏ trong 6 tháng đầu năm vì hoạt động thả nuôi ế ẩm, nguồn cung con giống vượt quá nhu cầu thị trường.
Kiểm tra tôm giống vừa thả nuôi trại một ao nuôi của Công ty CP Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Thuận Hải

Trong khi đó, vụ nuôi tôm nước lợ nửa đầu năm nay diễn ra trong bối cảnh bất lợi về thời tiết, nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa kèm theo xâm nhập mặn đến sớm, không thuận lợi cho tôm phát triển.

Tôm giống đổ trôi sông

Tổng cục Thủy sản cho biết, nửa đầu năm nay, có thời điểm, nhiệt độ lên đến 38 độ C, độ mặn trên 32‰… làm cho dịch bệnh phát triển như bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, đường ruột, phân trắng, vi bào tử trùng…

Tính đến giữa tháng 7, cả nước thả nuôi khoảng 616.500ha tôm nước lợ các loại, đạt 90% kế hoạch cả năm và chỉ bằng 96,5% so với cùng kỳ 2014. Sản lượng tôm thu hoạch đạt 230.900 tấn, đạt 32,5% kế hoạch năm và chỉ bằng 88% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt dù diện tích thả nuôi giảm, tuy nhiên, số lượng cơ sở sản xuất tôm giống nước lợ vẫn ở mức cao. Đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có đến 2.250 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó, 1.700 cơ sở sản xuất tôm sú và 550 cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng, chưa kể các cơ sở ương dưỡng tôm giống các loại.

Con giống sản xuất ra nhiều nhưng nhu cầu thả nuôi giảm mạnh đã gây ra tình trạng dư thừa lớn thời gian qua. Theo đó, trong khi số lượng tôm giống sản xuất ra trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 62 tỷ tôm bột (Postlarvae) thì số lượng thả nuôi chỉ đạt 29 tỷ tôm bột. Do đó, Tổng cục Thủy sản cho biết, đã có khoảng 33 tỷ tôm bột sản xuất ra không bán được, phải xả bỏ.

Ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng thông tin, tình hình sản xuất, kinh doanh chậm kéo dài đến cuối tháng 5 vừa qua đã khiến nhiều cơ sở sản xuất giống lâm vào tình trạng thua lỗ, nhất là các cơ sở kinh doanh con Nauplius, tức ấu trùng tôm giai đoạn vừa nở ra từ trứng.

“Nguồn Nauplius không tiêu thụ được rất lớn trong khi chi phí chăm sóc tôm bố mẹ khá cao nên nhiều công ty dã chủ động hủy bỏ tôm bố mẹ trước thời hạn”- ông Điền nhấn mạnh. Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) nói như khóc rằng chưa năm nào việc nuôi tôm rơi vào tình trạng bi đát như năm nay. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2015, các thành viên trong Hiệp hội này chỉ thả nuôi được 20% trong tổng diện tích 2.700ha mặt nước và chỉ 50% diện tích thả nuôi thành công.

“Giá tôm nguyên liệu thì luôn thấp lè tè, đã giảm 25.000 – 30.000 đồng/kg. Như giá tôm thẻ loại 100 con/kg đáng ra phải có giá từ 100.000 đồng/kg thì nay, nông dân chỉ bán được 70.000 – 75.000 đồng/kg”- ông Nhiệm than thở.

Giảm giá thành để sống sót

Không chỉ nuôi trồng khó khăn, tình hình xuất khẩu tôm các loại 6 tháng đầu năm cũng ế ẩm không kém, cả sản lượng và giá trị tôm Việt Nam xuất khẩu tại các thị trường đều giảm mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải “tối ưu hóa” giá thành sản xuất tôm nước lợ, từ đó, nông dân và doanh nghiệp mới có thể sống sót.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm cả nước 6 tháng đầu năm ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm cũng không mấy sáng sủa cho các nhà xuất khẩu khi nhu cầu của những thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU… đều có xu hướng giảm sâu. Do đó, giá tôm nguyên liệu trong nước khó có thể tăng lên.

Ông Bảy Nhiệm cho rằng, để có thể sống sót qua thời điểm khó khăn của ngành tôm hiện nay, cần hỗ trợ nông dân để giảm giá thành sản xuất. Theo ông Nhiệm, so với 2 năm trước, giá thức ăn thủy sản, chế phẩm sinh học các loại đã tăng giá từ 20 – 30%. Trong khi đó, giá tôm hiện nay lại giảm hơn 20 – 30%, nghĩa là giá vật tư nông nghiệp tăng, nhưng giá tôm thành phẩm lại giảm.

“Nhiều nơi nông dân gần như mất phương hướng sau khi thả con giống, không biết phải đối phó với dịch bệnh như thế nào. Có nơi, do hết vốn, lại mong muốn cứu vớt được ao tôm nên các đại lý thức ăn, thuốc thủy sản, chỉ thế nào, nông dân làm theo thế ấy nhưng cũng không cứu vãn được tình hình mà giá thành lại tăng, thiệt hại cũng tăng”-ông Nhiệm nói.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cũng cho rằng, cái chết của tôm Việt Nam hiện nay là cái chết vì giá khi tỷ lệ nuôi thành công ở Việt Nam quá thấp, chỉ 30 – 40%. Ở Ấn Độ, tỷ lệ nuôi thành công hiện nay đạt 80 – 90% nên giá thành thấp, cả doanh nghiệp và nông dân đều có lãi.

“Phải tổ chức lại sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, tăng tỷ lệ thả nuôi thành công lên thì may ra, người nuôi tôm và doanh nghiệp trong nước mới mong sống sót được”- ông Lĩnh nhíu mày chia sẻ. 

Hoạt động quan trắc môi trường còn yếu kém

Năm 2015, Bộ NNPTNT triển khai Dự án Quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản, đồng thời, phân bổ nguồn vốn trung ương cho các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I-II-III thực hiện quan trắc tại các nguồn nước nuôi trồng thủy sản. 6 tháng đầu năm, chỉ có 31/63 tỉnh thành có hoạt động quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên,quá trình xử lý thông tin và chuyển đến người dân còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu hướng dẫn và cảnh báo phục vụ sản xuất.

 
Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo