Đợt lũ xảy ra đầu tháng 11 đã khiến nhiều vườn mai ở thị xã An Nhơn (Bình Định) bị chết do ngập nước, cây nào thoát chết cũng trơ trụi lá, không thể bán được trong dịp Tết Nguyên đán. Số phận của những vườn mai ở xã Nhơn An tuy thê thảm là vậy, nhưng cũng không đau đớn bằng những vườn mai bên xã Nhơn Phong...
Lũ vặt trụi lá mai
Ôm bó cọc tre đi về ruộng mai 2.500 chậu của mình, anh Phan Quang Tiến ở xã Nhơn An mặt mày ủ rũ, than thở: “Trong số 2.500 chậu mai của tôi có 1.000 chậu đã 5 năm tuổi, 1.500 gốc vừa mới vào chậu mấy tháng nay. Nhờ đứng trên vùng đất cao nên chúng chỉ bị ngập nước 2 ngày, vậy mà đã có đến gần 300 chậu mai 5 năm tuổi bị tuột hết lá, Tết năm nay không thể bán. Còn 1.500 gốc mai mới vô chậu đều long gốc hết, giờ phải cắm cọc đỡ chứ không chúng chết hết”.
Anh Phan Quang Tiến sử dụng cọc tre cứu những chậu mai bị long gốc
Sau 2 ngày bị nước lũ ngập lút đọt, vườn mai của anh Tiến bị bùn non bám vào lá, khi nắng lên lá bắt đầu khô rồi rụng sạch. Chưa đến thời điểm lặt lá mà gần 300 chậu mai 5 năm tuổi của anh đã trụi lá, chỉ còn trơ cành nhánh trông như đã chết khô.
“Cũng còn may là 2.500 chậu mai của tôi nằm bên dưới đường tránh quốc lộ 1A nên chỉ ngập lũ có 2 ngày, nhiều cây còn cứu được, chứ những vườn nằm bên trên quốc lộ bị úng nước lũ đến nửa tháng trời, tuột lá trọi lỏi, Tết này không thể bán được.
Cả khu này có đến vài trăm hộ chuyên trồng mai bán Tết, người trồng nhiều vài ba ngàn chậu, người trồng ít cũng 1.000 chậu, số lượng mai bị ngập lũ không thể bán vào dịp Tết năm nay phải có đến hàng trăm ngàn chậu, thiệt hại lớn”, anh Tiến cho biết thêm.
Chăm mai sau lũ để hạn chế cây chết
Ông Lê Phụng (67 tuổi) ở thôn Thống Nhất, phường Nhơn Hưng xuống thôn Tân Dương, xã Nhơn An thuê 5,5 sào ruộng để trồng mai cũng lâm tình cảnh trên. Hiện trên diện tích 4 sào đất ông Phụng để 1.000 chậu mai đủ lứa tuổi, chậu “cao niên” nhất đã 13 - 14 năm tuổi. Trên 1,5 sào đất còn lại ông Phụng đang trồng 1.300 gốc mai còn đang đứng dưới đất. Nước lũ ngập đã khiến những chậu mai chuẩn bị bán Tết bị tuột hết lá.
Ông Phụng lo lắng: “Giá thuê đất ngày càng tăng, năm trước tui thuê chỉ 300.000 đ/sào/năm, vụ ĐX 2016 - 2017 này xã đưa ra giá khởi điểm 470.000 đ/sào/năm nhưng sau đấu giá phải lên đến vài triệu đồng/sào/năm. Chi phí thuê đất cao là vậy nhưng nếu không “gồng” lên mà đấu giá để giữ đất lại thì biết di dời mai đi đâu. Năm nay không bán được mai thì không biết lấy đâu ra vốn đầu tư sản xuất”.
Mai chết, nông dân bỏ la liệt
Những vườn mai chết trắng
Số phận của những vườn mai ở xã Nhơn An tuy thê thảm là vậy, nhưng cũng không đau đớn bằng những vườn mai bên xã Nhơn Phong, do bị ngập dài ngày nên bị chết trắng vườn. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào vườn mai của nông dân trôi tuốt theo dòng nước bạc.
Đứng nhìn gần 3.000 gốc mai đã 2 năm tuổi của anh Lê Ngọc Hữu (37 tuổi) ở đội 1, thôn Thanh Giang, xã Nhơn Phong đứng chết khô, tôi không thể không thấy nhói lòng.
Anh Hữu kể, anh thuê 3 sào đất với giá 3,2 triệu đồng/năm để trồng gần 3.000 gốc mai, trong đó có gần 300 gốc đã vào chậu, 2.700 gốc kia đợi qua mùa mưa năm nay sẽ tiếp tục được anh đưa vào chậu chăm sóc.
Anh Lê Ngọc Hữu thất thần bên gần 3.000 gốc mai chết trắng
Do diện tích đất anh Hữu thuê nằm bên cạnh con sông Đập Đá nên nước lũ ngâm trên nửa tháng, cây mai tuy là loài rễ cọc chịu úng rất giỏi, nhưng cũng không trụ được, chết toàn bộ.
“Thời điểm mai bị ngập lũ tôi lập tức thuê máy lùa, loại máy bơm có họng xả to như trạm bơm điện để bơm nước ra nhưng vẫn không xuể, nước úng miết hơn nửa tháng, gần 3.000 gốc mai chết sạch. Qua 2 năm chăm sóc tôi đã đầu tư vào chúng hết 90 triệu đồng, đó là chưa kể đến công nhà bỏ ra làm, bây giờ thì phủi tay”, anh Hữu thở dài nói.
Sau lưng nhà anh Hữu, đám mai 560 chậu đã 4 năm tuổi của ông Lê Văn Nhiệm (67 tuổi) cũng bị chết sạch. Theo tính toán của ông Nhiệm, mai cỡ tuổi này “bèo” lắm Tết năm nay bán cũng được 150.000 đ/chậu, kể như cơn lũ này đã “cướp” của ông mất 84 triệu đồng.
Chị Trần Thị Loan tiếc nuối gần 2.000 gốc mai 3 năm tuổi bị chết
Phía dưới đám mai của anh Hữu chẳng bao xa là đám mai gần 2.000 gốc đã được 3 năm tuổi của chị Trần Thị Loan (SN 1972) cũng đang đứng chết khô vì bị úng nước. “Chưa bao giờ tôi thấy lũ ngâm lâu như đợt lũ vừa qua. Đợt lũ xảy ra vào đầu tháng 11/2013 dẫu rất lớn, nhưng chỉ 2 ngày là rút, đợt lũ vừa qua ngâm đến nửa tháng thì cây mai nào chịu thấu”, chị Loan kể lể. |