Chuyện trưởng thôn bị nghi ngờ "xà xẻo" tiền hỗ trợ bão lũ vừa qua ở Quảng Bình đã được chính người dân minh oan. Vụ việc cụ thể ấy đã kết thúc nhưng nỗi niềm của những người được ví như "đầu binh, cuối cán" ở nông thôn còn lắm trở trăn!
Mệt mỏi, phức tạp
Ông Nguyễn Ngọc Lanh - Trưởng thôn BN (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), người đã có thâm niên 3 nhiệm kỳ được dân bầu làm thôn trưởng liên tục, bộc bạch: "Mỗi năm làm thôn trưởng, tóc tui bạc đi một chút. Tới chừ cả đầu bạc trắng. Cái chức "đầu binh, cuối cán" ni mệt mỏi và phức tạp lắm. Nhiều lần tui xin bà con cho nghỉ không làm nữa nhưng không được nên phải cố". Ngẫm ra, làm thôn trưởng đâu phải dễ dàng chi...
Trưởng thôn do dân bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm. Việc của trưởng thôn thì nhiều không kể xiết. Thôi thì “thượng vàng hạ cám”, cái gì cũng phải có vai trò trưởng thôn. Từ việc triển khai các chương trình hành động của Nhà nước, các chuyên đề hoạt động của các cấp, các ngành cho đến việc quản lý thôn, việc làng, việc ma chay, cúng kỵ...
Trưởng thôn ở xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) tham gia giám sát, chỉ đạo việc phân phối hàng cứu trợ
Trưởng thôn Lanh bảo, chẳng có việc gì mà không đến tay trưởng thôn. Việc lớn như thực hiện xây dựng nông thôn mới, mùa màng đến việc nhỏ như hòa giải xích mích vợ chồng, đám cưới, đám ma... Trưởng thôn không đứng ra lo thì coi như việc khó thành.
"Có khi nửa đêm, điện thoại réo, tui dậy nghe thì nhà cuối xóm con ốm nhờ bác trưởng thôn gọi cho cái xe máy đưa đi viện. Thôi thì trưởng thôn đội mưa mà đi cho rồi", ông Lanh bộc bạch.
Trưởng thôn chỉ có phụ cấp hàng tháng tùy theo số hộ của thôn mà ở các mức từ 700 ngàn đồng đến hơn triệu đồng/tháng. Trưởng thôn Lanh được 800 ngàn đồng. "Tiền điện thoại, tiền xăng xe đi họp, đi triển khai nhiệm vụ cũng chưa đủ nói chi đến lo việc này, việc khác", ông Lanh nói.
Căn nhà cấp bốn của trưởng thôn Lanh xây từ đời tám hoánh, rêu xanh bám đầy tường. Ông bộc bạch, cả thôn có 200 hộ dân, chỉ chuyện cưới xin thôi là đủ khiếp rồi. Thông thường, khi nhà có đám cưới, người ta chỉ mời bà con nội ngoại, bạn bè thân. Vì vậy cũng có khi trong thôn có đám cưới thì chỉ có khoảng nửa thôn được mời.
Cán bộ thôn ở xã Phong Hóa (huyện Tuyên Hóa) kiểm tra việc sạt lở đường làng để báo cáo cấp trên
Duy chỉ có ông trưởng thôn là được vinh dự mời dự tất tần tật. Có khi ngày hai đám cưới. Đành bỏ bao thư nhờ gửi một đám, còn một đám đi dự. Đám gửi thì một trăm ngàn, đám đi dự thì trăm rưỡi. Có tháng hơn chục đám cưới, vợ phải bán thóc mới đủ tiền mừng.
"Chưa kể có nhiều mục như kỵ giỗ, nhà mới..., bà con đến tận nhà mời không thể từ chối được", ông Lanh nói thêm.
Nể lắm mới nhận làm trưởng thôn
Trong đợt lũ lụt và nhận hàng cứu trợ, nhiều trưởng thôn ở Quảng Bình gầy rộc đi. Một trưởng thôn ở xã Quảng Hải (TX. Ba Đồn) cho hay, nhận hàng cứu trợ thì mừng cho bà con nhưng trong chuyện này cũng nhiều điều tế nhị lắm.
Sau lũ lụt, thông tin có đoàn cứu trợ A đến với khoảng 50 suất quà. Chính quyền thôn lên danh sách ưu tiên cho các gia đình neo đơn, hoàn cảnh, hộ chính sách, hộ bị thiệt hại lớn... được nhận đầu tiên. Suất hỗ trợ tương đối nhẹ, chỉ thùng mì tôm và chai nước mắm, trị giá suất quà chưa đến 200 ngàn đồng.
Sau đó, đoàn cứu trợ thứ 2 đến trao 50 suất quà. Lần này, thôn lên danh sách 50 hộ khó khăn tiếp theo, nhà tài trợ cho mỗi suất quà trị giá khoảng 700 ngàn đồng.
"Rứa là hộ được ưu tiên nhận trước thiệt hơn nhận sau cũng khá nhiều, mà bà con thì muốn có sự công bằng. Thực tế như vậy thì trưởng thôn có nên điều tiết lại hay không? Nếu cứ để cho việc nhận cứu trợ như kiểu may rủi thì cũng áy náy lắm. Nếu thu của hộ nhận sau vài trăm ngàn để chia cho những hộ nhận trước thì lại bị mang tiếng".
Tâm sự này cũng là tâm trạng của trưởng thôn Cao Xuân Pha (thôn Vân Bắc, xã Quảng Hải). Ông Pha gầy hốc hác sau việc thu lại tiền hỗ trợ chia cho mọi người. Cho dù xuất phát từ muốn có sự công bằng mà ông bị những người không hiểu hết sự việc chỉ trích.
"Có dư luận nói tui ăn chặn. Thiệt là nên tội, mà tui thì thương mọi người nên làm vậy chứ có lấy một xu hào mô. Khi làm, phần lớn bà con đều đồng tình và chia sẻ cả mà", ông Pha nghẹn lời.
Khi chúng tôi về thôn Trằm Mé (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch), ông Thông - trưởng thôn đang chỉ đạo và xướng tên cho bà con trong thôn nhận quà cứu trợ. Gần quá trưa mới xong việc, ông Thông mới thở hắt ra và chuyện trò. Sau 5 đợt nhận cứu trợ thì lần này nhà ông mới có được 1 suất cho dù bị ngập lụt, bị thiệt hại cũng giống như mọi người.
Theo ông Thông, cả thôn có 250 hộ, nhà tài trợ đến phân bổ về thôn được khi thì 50 suất, khi được 100 hay 150 suất thì phải ưu tiên cho bà con chứ trưởng thôn dứt khoát không được nằm trong danh sách đó.
"May mà vợ tui cũng hiểu và chia sẻ nên cũng không thắc mắc chi. Biết là nhà mình cũng bị thiệt hại như hàng xóm, nhưng hàng xóm thì có tên trong danh sách nhận thì không sao nhưng trưởng thôn mà có tên là khó ăn, khó nói với bà con lắm", ông Thông trải lòng.
"Nhà tài trợ đến, tui thay bà con mừng khôn xiết. Nhưng cũng có khi phải nghẹn lòng", ông Tân, một trưởng thôn nói. Theo ông Tân, thôn ông ở xa trung tâm xã gần 5 cây số. Khi nhà cứu trợ đến yêu cầu bà con về trụ sở xã nhận quà. Thôn ở xa, nhiều gia đình neo người hay không có phương tiện để đi nên gửi nhờ hàng xóm nhận thay. Có đợt, thôn được 50 suất quà cho 50 gia đình. Không may hôm đó, có đến 20 nhà vì đường xa, hay ốm đau nên không đi được gửi nhờ. Khi xướng tên không có người trực tiếp mà chỉ có người nhận thay, nhà tài trợ đã kiên quyết cho hàng cứu trợ lên xe ô tô để đưa đi chỗ khác.
"Tui đứng ra bảo lãnh cũng không được. Nhà tài trợ nói sợ hàng về không đến được tận tay người khó khăn. Tui nói, có 30 hộ chứng kiến cho việc tui nhận thay cho 20 hộ thì làm sao tui dám trao nhầm đối tượng được. Nói mãi họ mới cho nhận. Nếu họ cứ cương quyết chắc tui rơi nước mắt lắm vì thương cho bà con mình", ông Tân nghèn nghẹn.
Cũng tâm sự như ông Tâm, ông Lê Văn Quân - Trưởng thôn ở xã Quảng Trung, người đã có suy nghĩ và việc làm muốn công bằng trong thôn đã bị mang tai tiếng trong việc nhận quà cứu trợ.
Trưởng thôn Lê Văn Quân (trái): "Muốn làm cho công bằng cũng bị tai tiếng lắm"
"Cái tâm tui không tơ hào chi của bà con cả mô. Chỉ muốn ai cũng có phần như nhau cho đặng trọn vẹn tình làng nghĩa xóm. Vậy mà, có người còn suy nghĩ cho tui là ăn chặn rồi đòi kỷ luật, cách chức. Cái chức ni nói thiệt chưa cách thì tui cũng đã muốn trả lại cho thôn rồi. Ngặt nỗi, bà con tính nhiệm, tin tưởng mà mình không làm thì coi răng được?", ông Quân cởi mở tấm lòng.
Nhiều trưởng thôn đòi trả chức
Ông Cao Xuân Ngọc - Chủ tịch UBND xã Quảng Hải (TX Ba Đồn) cho biết, chức trưởng thôn ở địa phương do dân trong thôn bầu lên. Nhiều trưởng thôn nể tình làng nghĩa xóm mới nhận làm chứ không phải vì lợi lộc gì. Nhiều trưởng thôn cứ đòi trả lại chức. Lãnh đạo xã động viên thuyết phục mới đồng ý. Nếu không có sức hoạt động nhiệt tình của các trưởng thôn thì chính quyền địa phương cấp xã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác lãnh đạo, điều hành.
|