Quá thất vọng khi nhận hỗ trợ mất mùa là giống ngô LVN10 kém chất lượng
14:59 - 09/11/2016
Chưa kịp vui khi được hỗ trợ mất mùa vì hạn hán thì người dân lại thất vọng bởi giống ngô miễn phí là loại giống cách đây 10 năm họ đã từ bỏ vì năng suất không đạt. Hiện bà con không biết xử lý ra sao khi trồng phải giống kém chất lượng... Cũng không dám lấy làm thức ăn gia súc vì lo ngại ngô giống đã được sử dụng hóa chất.

Chưng hửng vì giống hỗ trợ

Là một trong những điểm hạn của tỉnh Gia Lai, hàng năm người dân xã Ia R'sươm, huyện Krông Pa luôn hứng chịu hậu quả nặng nề từ việc thiếu nước tưới. Riêng năm 2016, vụ ngô đầu năm bà con thiệt hại trầm trọng, không ít hộ lâm cảnh khó khăn vì mất trắng.

Nghe tin địa phương được Nhà nước hỗ trợ giống cho vụ mùa mới, bà con ai cũng vui mừng. Đến tháng 7/2016, xã Ia R'sươm được hỗ trợ hơn 9 tấn ngô giống loại LVN10 (49,9 ngàn đồng/kg), với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng. Số ngô giống này được chia theo diện tích trồng của từng hộ. Theo đó, mỗi ha sẽ nhận được 37kg ngô giống. Tuy nhiên, theo nhiều người dân, đây là giống ngô kém chất lượng, năng suất thấp đã từng bị loại bỏ từ 10 năm trước.

14-10-39_giong-ngo-lvn10-khong-nng-sut-bn-khong-i-mu
Giống LVN10 năng suất kém, bán không ai mua
 

Ông Phạm Văn Học, Bí thư Chi bộ thôn Quỳnh Phú, xã Ia R'sươm cho biết, đây là giống ngô do một Cty ở miền Trung sản xuất. “Chính sách hỗ trợ vùng bị hạn hán là rất hoan nghênh, nhưng hỗ trợ thế này thì dân mất niềm tin, họ lại bảo của cho là của ôi”, ông nói.

Vì biết trước giống cho năng suất thấp nên người dân không muốn làm, nếu trồng sẽ lỗ nặng. Theo tính toán, 1ha ngô đầu tư khoảng 20 triệu đồng từ tiền thuê nhân công làm đất, thuê máy cày cho đến phân bón… Vụ mùa trước đã thua lỗ nên bà con không dám mạo hiểm đầu tư giống mà họ chưa tin tưởng.
 

Chặt cho bò ăn

Biết trồng sẽ không có hiệu quả, một số người sau khi nhận giống đã sử dụng sai mục đích, mang đi bán lại cho các đại lý với giá chỉ 5.000 đồng/kg. Vì không tiêu thụ được, đại lý cũng ngừng thu mua. Người dân cũng không dám lấy làm thức ăn gia súc vì lo ngại ngô giống đã được sử dụng hóa chất.

“Trồng thì biết chắc là năng suất thấp, chỉ bán được một phần, sau đó không ai mua. Có 197kg tôi thấy tiếc nên trồng thử nghiệm 60kg”, anh Nguyễn Thành Giang ở thôn Quỳnh Phú nói.

14-10-39_gn-den-thoi-diem-thu-hoch-nhung-qu-ngo-chi-bng-ngon-chn-ci-ht-lu-thu
Gần đến thời điểm thu hoạch nhưng bắp ngô bé tí, hạt lưa thưa
 

60kg giống anh Giang mang trồng đã được hơn 2 tháng, cây cao ngang đầu người nhưng không có trái hoặc trái nhỏ. “Biết giống này không hiệu quả, bà con đã bỏ rồi, nhưng giờ nhà nước hỗ trợ, không bán lại được thì mình cứ trồng thử xem sao. Ai ngờ vẫn như vậy. Gia đình tôi đã đầu tư chi phí sản xuất hết 10 triệu đồng, chưa tính tiền nhân công. Giờ xác định là lỗ vốn rồi chứ chẳng còn hy vọng gì”, anh Giang ngậm ngùi.

Ông Ngô Quang Đằng, Trưởng thôn Quỳnh Phú cho biết, gia đình ông cũng được hỗ trợ hơn 70kg cho 2ha cây trồng bị thiệt hại do hạn. Sau đó ông đã tiến hành xuống giống trên 1ha đất vườn, tuy nhiên năng suất lại không đảm bảo, gần đến lúc thu hoạch nhưng trái bắp chỉ to hơn ngón chân cái và hạt rất nhỏ.

14-10-39_vuon-ngo-nh-ong-ngo-qung-dng-trong-hon-2-thng-nhung-khong-co-du-hieu-cho-nng-sut-co
Vườn ngô nhà ông Đằng trồng đã hơn 2 tháng và không có dấu hiệu sẽ cho năng suất cao
 

Tương tự, nhiều hộ dân khác đã trót trồng giống ngô LVN10 nhưng khốn đốn vì thua lỗ đành cắn răng chặt bỏ cây để cho bò ăn. Thu nhập thì chẳng thấy đâu, bây giờ phải nai lưng ra bù lỗ vì đã lỡ rót vốn đầu tư. “Tranh thủ lúc bắp còn xanh nên tôi chặt cho bò ăn chứ đợi bắp già, khô rồi thì chỉ có đốt bỏ chứ làm được gì nữa đâu”, ông Chu Văn Nghĩa ở thôn Hưng Phú buồn bã nói.

Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Krông Pa cho biết: “Sắp tới phòng sẽ triển khai sơ kết vụ mùa và triển khai vụ ĐX, từ đó mới nắm được hiệu quả của giống bắp hỗ trợ đến đâu. Riêng LVN10 có nhiều Cty sản xuất nên chất lượng cũng khác nhau chứ không phải trồng giống này là không năng suất. Có thể năng suất không cao bằng giống khác nhưng ưu điểm LVN10 là chịu được hạn. Song việc hỗ trợ phải bám sát nhu cầu thực tế của từng địa phương hơn là cào bằng, hoặc có thể hỗ trợ phân bón sẽ thiết thực hơn...”.

 

LÊ KHÁNH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo