Vườn cúc tả tơi sau lũ
10:55 - 09/11/2016
Mưa lũ trong những ngày qua đã làm tơi tả những chậu cúc Tết mới trồng hơn 2 tháng ở các phường Bình Định, Nhơn Hưng (TX An Nhơn, Bình Định).

Nhà vườn như ngồi trên đống lửa khi nhìn cúc rũ lá, vàng úa rồi héo chết.

Anh Nguyễn Văn Lộc trồng 200 chậu cúc Tết ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định than thở: “Suốt nhiều ngày qua mưa tầm tã kèm gió lớn quăng quật những cành cúc còn yếu khiến lá bị dập, đang từ màu xanh mơn mởn lá trở vàng úa, nhiều chậu bị chết lao. Tình hình thời tiết kiểu này cây cúc sẽ còn phải đối mặt với nhiều bệnh khác, không biết có trụ nổi để có bán vào dịp Tết không”.

Chủ vườn cúc lo lắp bóng điện để đếm tới sưởi ấm mong những chậu cúc hồi phục “sức khỏe”

Mùa cúc Tết năm nay, làng hoa ở khu vực Vĩnh Liêm, phường Bình Định có 40 hộ trồng cúc với khoảng 20.000 chậu. Người trồng ít cũng được 250 chậu, người trồng nhiều đến 1.500 - 1.600 chậu. Nếu như năm ngoái ông Nguyễn Văn Thảo trồng đến 1.000 chậu cúc thì năm nay chỉ trồng 400 chậu vì sợ bị “thua” như năm trước. Ông Thảo nhớ lại: “Năm trước vườn cúc của tôi bị trống lá chân nên bán mất giá, lỗ chỏng gọng. Năm nay tôi trồng giảm hơn một nửa số lượng để chăm sóc tốt hơn, mong đến Tết có cúc đẹp để bán”.
 

Thế nhưng năm nay không như ông Thảo kỳ vọng, cây cúc mới được trồng hơn 2 tháng đã bị mưa lũ gây hại. Vẻ mặt buồn rầu, ông Thảo cho biết thêm: “Mưa đợt trước chỉ mấy ngày mà đã có gần 100 chậu bị vàng lá. Tôi đã bơm thuốc mấy đợt rồi mà cây cúc vẫn chưa gượng lại được. Bụng nóng như lửa đốt, mong trời nắng lên để lá cúc xanh trở lại. Ai ngờ, mấy ngày qua, mưa lớn dầm dề kéo dài, lại có gió to rồi lũ tràn về, vườn cúc chắc bị thối rễ, chết lao mất”. 

Những chậu cúc đã bị vàng lá

Cẩn trọng hơn, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh năm nay chỉ trồng 250 chậu cúc, bà bảo: “Một mình tôi thì trồng bao nhiêu đó là vừa. Nhà không có ai, nếu thuê thêm người thì không còn lời lãi gì bao nhiêu”. Sau nhiều ngày bị mưa gió quăng quật các cành cúc bị ngả nghiêng, bà Anh phải ngồi cắm cúi cắm lại cành phụ cho từng chậu cúc, bà lo lắng: “Mấy ngày nay trời mưa lớn liên tục, lũ đổ về, tui sợ cúc bị ngập nước lũ là toi hết, bởi cây cúc không chịu được nước bạc”.
 

Bà Anh trăn trở: “Năm 2013, lũ bất ngờ đổ về, chỉ ngập một đêm thôi nhưng hàng chục ngàn chậu cúc đã héo rũ và chết. Mấy ngày nay nghe lũ ngập ở nhiều nơi, tôi như ngồi trên chảo lửa. Có bữa giữa đêm khuya, tôi phải mặc áo mưa xuống vườn xem sao, chứ nằm ở nhà thao thức suốt đêm không ngủ được. Chỉ mưa dầm mấy ngày thôi mà đã có nhiều chậu bị chết lao, hư lá chân, phát sinh bệnh gỉ sắt, phải bơm thuốc phòng bệnh liên tục”.
 

Rồi bà Anh nhớ lại mùa hoa Tết năm ngoái, hoa đang chuẩn bị nở thì đợt không khí lạnh tràn về, nụ hoa đơ ngắt không chịu nở, may mà có khoảng hơn 100 chậu nở đúng Tết, vớt vát được ít vốn.

Người trồng nhiều nhất ở Vĩnh Liêm là bà Hồ Thị Hoàng với 1.600 chậu, tăng 100 chậu so với mùa hoa Tết năm ngoái. Bà Hoàng tâm sự: “Để phòng ngừa sâu bệnh do đợt mưa kéo dài mấy ngày qua, tôi bơm thuốc, nhưng vừa mới bơm xong thì trời đổ mưa lớn, phải bơm lại nên rất tốn kém. Dù hoa mới trồng được hơn 2 tháng nhưng tôi đã chi gần 100 triệu đồng để chăm sóc và thuê 10 nhân công cắm cành phụ cho kịp với chu kỳ phát triển của hoa. Hy vọng Tết năm nay sẽ bội thu, chứ Tết năm rồi hoa nở muộn, chỉ bán được nửa giá, may mà huề vốn”.

Bà Hoàng cố gắng chăm sóc cứu những chậu cúc để né bệnh trong thời tiết bất thuận

 

“Gặp thời tiết bất thuận cây cúc sinh rất nhiều bệnh, người trồng phải thường xuyên bám vườn để phát hiện kịp thời bơm thuốc phòng chống chứ ai lơ là coi chừng như công cốc”, anh Nguyễn Văn Lộc chia sẻ.

Đình Vũ
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo