Người nuôi tôm gặp khó
11:53 - 25/10/2016
(TNNN)- Từ đầu năm đến nay, tình hình nuôi tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng El Nino, hạn hán, xâm nhập mặn, độ mặn tăng cao làm tôm chậm lớn dễ bị dịch bệnh, gây thiệt hại ở nhiều vùng nuôi.
Người nuôi tôm gặp khó (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Tại Thái Bình, tháng 5 năm nay, bệnh đốm trắng trên con tôm sú và tôm thẻ chân trắng lan rộng ở hai huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải khiến tôm chết hàng loạt.
 
 
Tại Thừa Thiên – Huế, toàn tỉnh có khoảng 700ha đất quy hoạch để nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm chỉ có 300ha được bà con thả nuôi. Thời tiết khắc nghiệt do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm vật nuôi, trong đó có tôm thẻ chân trắng biến động lớn. “Tôm là loài vật biến nhiệt nên khi thay đổi thời tiết sẽ giảm sức đề kháng dẫn đến chậm lớn và dễ dàng phát sinh mầm bệnh. Khi nhiệt độ ban ngày cao, chiều xuất hiện mưa dông, sẽ tạo ra khí độc khiến tôm dễ bị chết”, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết.
 
 
Tại Kiên Giang, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cho biết những tháng đầu năm 2016, nuôi tôm đối mặt với những diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn kéo dài, nước trong ao đầm nồng độ mặn quá cao, dịch bệnh phát sinh gây hại, thị trường khó khăn, giá tôm nguyên liệu giảm thấp… nên không mạnh dạn đầu tư nuôi tôm. Nhiều doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên “treo ao” do điều kiện môi trường bất lợi, không đảm bảo nuôi tôm an toàn, bền vững và hiệu quả. Trong khi đó, vốn đầu tư nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp khá lớn, chất lượng tôm giống chưa đảm bảo, kỹ thuật nuôi còn hạn chế, hệ thống thủy lợi không đồng bộ, chưa chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi tôm… là những khó khăn, bất cập trong phát triển nuôi tôm công nghiệp.
 
 
Ông Lê Hải (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: “Bây giờ nuôi tôm gặp khó khăn trăm bề. Đó là rủi ro do dịch bệnh, thời tiết, chi phí đầu vào tăng, đầu ra lại thấp… Gần 3 năm nay, tôi nuôi tôm liên tục thua lỗ, tiền nợ thức ăn ngày càng cao, chủ đại lý đòi thì cứ khất lần khất hồi. Năm nay, tôi vay mượn, gom hết vốn liếng chuyển sang nuôi tôm thẻ. Song, sau khi hạch toán chi phí, trả tiền thức ăn, thuốc xử lý ao vuông… thì lãi chẳng được bao nhiêu”.
 
 
Vốn đầu tư nuôi tôm ngày càng kiệt quệ, trong khi giá thức ăn tôm, thuốc thú y thủy sản, giá dịch vụ phục vụ nuôi trồng đồng loạt tăng khiến người nuôi tôm chán nản. Cùng với đó, các đại lý bán thức ăn thủy sản không còn mặn mà đầu tư, khiến người nuôi tôm phải thu hẹp diện tích, nhiều hộ phải “treo ao” vì không còn khả năng nuôi tôm.
 
 
Theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), đến tháng 9/2016, diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước hơn 660.000 ha; trong tình hình thuận lợi từ nay đến cuối năm dự kiến diện tích tôm nuôi đạt hơn 683.000 ha, sản lượng đạt trên 680.000 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng hạn, mặn trong những tháng đầu năm, diện tích tôm nuôi ở ĐBSCL bị thiệt hại lên đến hơn 82.000 ha, tiến độ xuống giống nhiều vùng phải chậm lại so thời vụ cùng kỳ.
 
 
Bên cạnh đó, tôm xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn với các loại rào cản kỹ thuật, thuế quan, phi thuế quan còn quá nhiều. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Việt Nam nhưng các doanh nghiệp tôm Việt Nam lại đang bị đánh thuế chống bán phá giá tại thị trường này, còn thị trường tôm EU cũng gặp khó khăn do biến động tỷ giá. Tình trạng tôm bơm chích tạp chất, nhiễm kháng sinh, việc xuất khẩu tôm tiểu ngạch sang Trung Quốc không được kiểm soát chất lượng chặt chẽ cũng đang gây khó khăn, làm mất uy tín chất lượng tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.
 
 
Nuôi tôm, nhất là nuôi tôm công nghiệp, là nghề đánh cược với rủi ro cao. Trước những bất lợi cho nghề nuôi tôm như hiện nay, ngoài sự nỗ lực vươn lên của nông dân, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ như: Mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm; hỗ trợ vốn, con giống; kiểm soát giá, chất lượng thức ăn, thuốc thú y thủy sản... nhằm giúp nông dân vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định sản xuất.
 
 

Minh Hoàng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo