Gần 2 tỷ đồng vốn vay ngân hàng được dân bản Liên Minh, xã Châu Kim, huyện vùng cao Quế Phong (Nghệ An) đầu tư chăn nuôi nhưng trận dịch tụ huyết trùng tháng 9 vừa qua đã khiến nhiều hộ khốn đốn.
Bản Liên Minh, xã Châu Kim, huyện vùng cao Quế Phong (Nghệ An) có trên 40% hộ nghèo. Gần 2 tỷ đồng vốn vay ngân hàng được dân bản đầu tư chăn nuôi nhưng trận dịch tụ huyết trùng (THT) tháng 9 vừa qua đã khiến nhiều hộ khốn đốn.
Bệnh THT trên đàn gia súc còn xuất hiện tại một số xã của huyện Quế Phong, gây thiệt hại nặng cho đồng bào. Điều đáng nói, công tác tiêm phòng vacxin hàng năm tại đây gặp nhiều khó khăn.
"Bão" dịch vây bản nghèo
Dịch THT xuất hiện tại bản Liên Minh vào đầu tháng 9/2016. Trưởng bản Lô Xuân Dục khẳng định, công tác tiêm phòng vẫn được thực hiện định kỳ 2 lần/năm nhưng dịch bệnh vẫn xẩy ra. Thực tế, số lượng trâu bò thả rông trong rừng rất khó lùa về để tiêm phòng. Trong tháng 9, dịch THT đã khiến 6 con trâu bò bị chết; số lợn, gà thì chết vô số, không thể thống kê nổi.
Dân bản Liên Minh cũng cho biết, lợn, gà chết rất nhiều, số lượng trâu bò chết không chỉ dừng lại ở con số 6 như lời trưởng bản. Cụ thể, từ giữa tháng 9 đến nay, bệnh THT đã khiến 14 con trâu bò bị chết, hộ nhiều nhất chết 6 con.
Hộ nhà bà Vi Thị Lan chết mất 6 con trâu, bò
Bà Vi Thị Lan cho biết: “Nhà ta được anh em gửi trâu bò cho nuôi. Năm 2013 cũng có 1 đợt dịch khiến trâu bò nhà ta chết mất 3 con. Năm nay thì chết mất 2 con bò, 4 con trâu. Nghe nói bản Chổi bên cạnh cũng có nhiều hộ trâu bò bị chết vì bệnh THT”, bà Lan cho biết.
Đợt dịch vừa rồi, gia đình bà Vi Thị Biên bị chết 20 con lợn: “Ta vừa vay ngân hàng 30 triệu đồng về thả lứa lợn mới. Thấy lợn bỏ ăn, tiêu chảy, ta cũng mua thuốc về tiêm. Vài ngày sau thì bị táo bón hết, giật giật rồi lăn đùng ra chết sạch, gia đình phải đem đi chôn”.
Vừa vào đến ngõ nhà ông Lô Văn Việt, đập vào mắt là hình ảnh vôi bột được rải từ ngoài ngõ đến tận chuồng nuôi. Ngay dưới chân cầu thang, một con gà mái nằm sấp chết tự bao giờ, phía ngoài chuồng nuôi, 5 con lợn ốm nằm thở hổn hển chờ chết. Lứa lợn mới ông mua 53 con, đều đạt trọng lượng từ 30 - 50kg nhưng nay chỉ còn lại 26 con sống. Bà Việt vợ ông cho biết, số lượng lợn chết vẫn chưa dừng lại.
Đàn gà cũng đang chết dần
“Hồi trước nuôi mỗi lứa 4 - 5 con thôi nhưng thấy lãi nên vay bạn bè, anh em 100 triệu đồng, xây chuồng, mua thêm con giống để thả. Ai ngờ lợn bị dịch, mua hết 3 triệu tiền thuốc chữa trị rồi mà vẫn tiếp tục chết. Giờ ta biết lấy đâu ra tiền trả nợ? Đàn gà cũng chết vài chục con rồi”, ông Việt than thở.
Từ chủ quan đến hoang mang cực độ
Dân bản Liên Minh có thói quen mua lợn nhỡ từ 15 - 20kg người dưới xuôi đưa lên đây bán với giá từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/con giống. Ông Lô Văn Việt cho biết: “Ông Thắng (người dưới xuôi lên bán lợn giống-PV) nói là lợn đã được tiêm phòng đầy đủ rồi, có giấy chứng nhận tiêm phòng. Đến khi lợn bị dịch, ông Thắng đem lên 3 con, không lấy tiền nhưng giờ chúng cũng đổ bệnh sắp chết. Con nào tiêm nhiều, chết thì không mổ thịt mà gia đình tự đem chôn; con nào chết nhanh, chưa tiêm thì làm thịt chia nhau ăn”.
Đàn lợn nhà ông Lô Văn Việt đã chết hơn nửa
Bà Vi Thị Lan cũng cho biết: “Cả 6 con trâu bò nhà ta đều được dân bản làm thịt, đổi lúa đem về ăn, ăn không hết thì làm thịt khô ăn dần, không có con nào bị đem đi chôn hay tiêu hủy”.
Hỏi về công tác tiêm phòng dịch bệnh hàng năm, bà Lan thật thà: “Nhà ta thả trong rừng, khi tiêm phòng không dắt về được, cán bộ thú y cũng không lên rừng để tiêm nên ta nhận thuốc, tự tiêm phòng thôi. Lần này ta được cấp nước tiêu độc khử trùng cũng đã tự phun dưới sàn nhà hết rồi, không đủ phun trên trại nuôi trâu bò”.
Nhà trưởng bản Lô Xuân Dục cũng bị chết 1 con trâu, dù được cấp dung dịch tiêu độc khử trùng gần 1 tháng nay nhưng ông vẫn chưa chịu phun. Hiện trong chuồng nhà ông vẫn còn 1 con trâu bị bệnh đang điều trị.
Trưởng bản Lô Xuân Dục cũng chưa phun tiêu độc khử trùng
Bệnh THT đang khiến đàn lợn chết từng ngày nhưng tại cổng ra vào giữa bản Chổi và bản Liên Minh, thịt lợn vẫn được bày bán. Chị hàng thịt cho biết, lợn hơi có nguồn gốc từ bản Liên Minh.
Dịch bệnh đang xảy ra nhưng thịt lợn vẫn tiêu thụ tốt tại bản Liên Minh
Công tác tiêm phòng gặp khó
Được biết, trong tháng 9, tại huyện Quế Phong, dịch THT còn xuất hiện tại xã Quế Sơn khiến 4 con trâu bò chết, còn tại xã Quang Phong chết trên 20 con. Đa phần số trâu bò nhiễm bệnh chết đều là số được thả rông trong rừng. Số này gần như không được tiêm phòng vacxin.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Quế Phong cho biết: “Tỷ lệ tiêm phòng các loại vacxin ở Quế Phong dật 100% chỉ tiêu UBND huyện giao chứ không dựa trên tỉ lệ tổng đàn. Đối với lợn, người dân ở đây chủ yếu mua lợn nhỡ từ các huyện khác về, nuôi từ 1,5 - 2 tháng là xuất chuồng nên công tác thống kê phòng dịch rất khó khăn. Vì thế, tổng đàn lợn khoảng 29 nghìn con nhưng lượng vacxin đăng ký chỉ khoảng 5 nghìn liều mỗi loại”.
Ông Nguyễn Mạnh Cường
Được biết, huyện Quế Phong hiện có trên 38 nghìn con trâu bò nhưng hàng năm, số lượng vacxin đăng ký chỉ khoảng 24 nghìn liều cho mỗi loại THT và lở mồm long móng. Nguyên nhân chính vẫn là do tập quán chăn thả trong rừng khiến việc tiêm phòng rất khó khăn. Trước đây, Quế Phong nằm trong số 8 huyện khống chế dịch quốc gia của tỉnh Nghệ An nhưng sau đó được hỗ trợ vacxin theo chương trình 30a. Theo chương trình này, vacxin thường được cấp rất chậm.
“Số lượng vacxin được cấp thì không thiếu nhưng cơ bản, không có cách nào để tiêm phòng hết được tổng đàn gia súc khi chúng được thả trong rừng, đến người nhà cũng khó tiếp cận. Thông thường, tháng 2 -3 hàng năm đã phải tiêm phòng vụ xuân nhưng ở Quế Phong, tháng 5 -6 mới được cấp vacxin. Vì vậy, khi Quế Phong tiêm vét vụ xuân thì các địa phương khác trong tỉnh đã tiêm phòng vụ thu… Thực tế, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc của huyện chưa bao giờ đạt chỉ tiêu 80% tổng đàn”, ông Cường cho biết thêm.
“Bản Liên Minh có 57 hộ thì có 23 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo. Hiện chỉ có 2 hộ không vay ngân hàng, dư nợ ngân hàng của dân bản gần 2 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư nuôi gia súc. Nay dịch dã thế này, dân mất cả chì lẫn chài, không biết lấy gì trả nợ”, ông Lô Xuân Dục, trưởng bản Liên Minh. |