Thấp thỏm mùa cúc cuối năm
11:01 - 12/10/2016
Những người trồng cúc ở TX An Nhơn (Bình Định) đang tất bật vào vụ trồng mới. Trước diễn biến khí hậu thất thường, họ vừa làm vừa lo, không biết cuối năm trời có cho ăn không, chứ như năm ngoái nhiều người phải trắng tay...

Nỗi lo thời tiết

Đã nửa tháng 9 âm lịch rồi mà thời tiết vẫn nắng gay gắt, chẳng thấy dấu hiệu của mùa mưa. Những người trồng cúc ở đây nhìn nắng mà cứ thấp thỏm lo. Bởi, cúc là loại cây “nắng không ưa, mưa không chịu”, nên thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển của cây.

08-07-19_1
Vườn cúc 200 chậu 1 tháng tuổi của anh Lộc
 

“Nắng quá thì bông úa, không được đẹp; mưa nhiều thì cây cúc bị úng nước, dập thân, không phát triển nổi. Đã qua tháng 9 âm lịch rồi mà chẳng thấy mưa. Mưa muộn kiểu này thường sẽ mưa dồn dập, kéo dài. Dứt mưa, trời nắng lên là đủ thứ sâu bệnh phát sinh hại cúc. Nếu nhà vườn nào không phòng trừ tốt là trắng tay như chơi”, anh Nguyễn Văn Lộc, người có thâm niên trồng cúc ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định, TX An Nhơn lo lắng.

Anh Lộc kể, mùa cúc năm ngoái, vườn cúc 1.000 chậu của anh Bùi Quang Lập ở khu vực Liêm Trực (phường Bình Định) do thời tiết báo hại nên không bán được chậu nào, bởi đã đến tết mà không chậu nào ra hoa.

“Do không lường được thời tiết, tôi hãm bông quá ngày, đến thời điểm cuối năm bỗng dưng có đợt lạnh bất ngờ khiến 1.000 chậu cúc không nở bông nào. Kể như tôi mất trắng 90 triệu đồng", anh Lập nói.

08-07-19_2
Thời tiết đỏng đảnh, phải thường xuyên chăm cúc để phát hiện sâu bệnh
 

Hàng năm, trên địa bàn phường Bình Định và phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn) có trên 200 hộ trồng hoa cúc để bán tết, người trồng nhiều từ 1 thiên đến 1 thiên rưỡi (1.000 - 1.500 chậu), người trồng ít cũng được 200 - 300 chậu. Ngoài phục vụ hoa tết cho người dân địa phương, cúc An Nhơn còn được cung cấp cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Anh Trần Hữu Văn (56 tuổi) ở phường Bình Định, người có thâm niên 25 năm trồng cúc nhưng vẫn bị thất bại vì thời tiết “đỏng đảnh”. “Năm ngoái, sau đợt mưa lớn dầm dề, hết mưa nắng ùa về, 1.400 chậu cúc lớn nhỏ của tôi đều lâm bệnh, tuột hết lá chân. Chậu cúc muốn bán được tiền thì lá phải bao kín chân chậu, hoa to, đẹp, đằng này lá chân trống hoác ai đâu thèm mua, nếu có bán được giá cũng rất rẻ. Sau khi tổng kết, vụ hoa cúc năm ngoái tôi lỗ mất 100 triệu đồng”, anh Văn nhớ lại.

 

Dùng đèn điện hãm hoa

Trong những năm gần đây, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, người trồng cúc phải can thiệp kỹ thuật dùng đèn điện hãm không cho cúc ra hoa sớm để kịp bán tết. Bình quân 100 chậu cúc được bố trí 10 bóng điện sởi treo bên trên giàn.

Anh Nguyễn Văn Lộc cho biết thêm, cây cúc xuống giống khoảng 10 ngày sau là nhà vườn phải bắt điện để sưởi cây. Ánh sáng điện sẽ khiến cây cúc "thức" suốt đêm mà phát triển, đồng thời còn có tác dụng không cho ra hoa sớm trước tết. “Thông thường, ánh sáng điện sẽ duy trì đến mùng 6/11 âm lịch thì cắt, quãng thời gian sau đó để cúc phát triển tự nhiên. Sau khi cắt điện khoảng 10 ngày, cúc sẽ gom búp, ra hoa đúng dịp tết.

Nếu ai cắt điện muộn, cho cúc “ăn” điện thêm 5 - 10 ngày nữa thì cúc sẽ ra hoa muộn hơn, đến tết hoa còn tươi nguyên thì sẽ bán được giá rất cao. Nhưng nếu trong quãng thời gian gần tết gặp đợt lạnh bất thường thì coi như thất bại, bởi cúc sẽ bị “điếc”, không ra hoa”, anh Lộc cho biết quy trình dùng điện hãm hoa của những nhà vườn trồng cúc.

08-07-19_3
Để cúc ra hoa đúng dịp tết, nhà vườn dùng ánh đèn điện hãm không cho cúc ra hoa sớm
 

Theo những người trồng cúc, nếu suôn sẻ, mỗi chậu hoa sẽ cho lãi khoảng từ 120.000 - 200.000 đồng, tùy bán sỉ hoặc lẻ. 1 chậu cúc có đường kính 50cm, bung nở đẹp, tổng chi phí đầu tư từ cây giống, phân, thuốc BVTV, điện, cọc tre… là 120.000 đồng, nếu bán giá sỉ sẽ được 250.000 đồng, bán lẻ từ 300.000 - 350.000 đồng. Chậu hoa có đường kính 40cm, đầu tư hết 80.000 đồng, bán sỉ được từ 150.000 - 170.000 đồng, bản lẻ được từ 200.000 - 250.000 đồng.

“Có nhiều vườn hoa tưởng được ăn ngon, chủ nhà vườn đã nhận tiền đặt cọc của thương lái, chỉ còn 5 - 7 ngày nữa là hoa được chở đi bán bỗng dưng đọt gãy gục, lá héo từ từ, chết cả vườn. Chủ nhà vườn đành ngậm ngùi trả lại tiền cọc, mất đứt vốn. Đến bây giờ người ta vẫn chưa biết đây là bệnh gì, chỉ biết cúc bị chết do một loại vi rút xâm nhập”, anh Nguyễn Văn Lộc.

 

AN NHÂN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo