Nông dân là bộ phận yếu thế nhất, không có quyền mặc cả trên thị trường, nên quan hệ giữa thương nghiệp với nông dân đang diễn ra thiếu công bằng.
|
Ảnh minh họa, nguồn Internet |
Những tin tức thời sự liên tục và nhan nhản trên báo chí gần đây về sự bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp, trong sản xuất ở các làng nghề, lại chỉ thêm minh chứng cho nhận định từ lâu về tính dễ bị tổn thương của người dân sống ở nông thôn Việt Nam. Bao năm rồi, họ mãi không bứt lên được.
Kể ra thì nhiều chuyện lắm...
Chuyện ngành nghề sản xuất nước mắm truyền thống điêu đứng suýt phá sản vì nguy cơ bị người dùng tẩy chay, chuyện các hộ nông dân trồng ngô ở Sơn La hết mùa này đến mùa khác, vay để trồng ngô thông qua hình thức cắm nợ, từ giống cho đến phân bón, đã làm cho họ không chỉ lao đao mà còn trở thành "con nợ". Chuyện nông dân miền Trung năm nào cũng bơ phờ vì lũ lụt rồi hạn hán. Rồi nguy cơ đã rõ nét về một tương lai ảm đạm cho đồng bằng sông Cửu Long vì những tác động tệ hại của biến đổi khí hậu...
Nguyên nhân thì nhiều, đã được phân tích và chỉ ra từ lâu.
Họ nghèo do bất bình đẳng trong chính sách kinh tế và xã hội. Người dân ở nông thôn phải trả phí các dịch vụ xã hội như điện, xăng dầu, đường sá, trường học, y tế, văn hóa... cao hơn người thành thị nếu xét trên tỷ trọng so với thu nhập. Chi phí sản xuất gồm bơm nước, giống, phân bón, nông dược, công lao động, phí cầu đường, thuế các loại... ngày càng cao trong khi giá bán nông sản bấp bênh.
Họ nghèo do thiếu vốn, thiếu đất đai, thiếu ngư trường, thiếu tay nghề.
Họ nghèo do thiên tai và quá phụ thuộc vào thiên nhiên.
Họ nghèo do một phần bản tính nông dân của họ. Do thị trường phân phối không công bằng, do thu nhập thấp, do giá đất nông nghiệp được đền bù thấp, do họ ít được hưởng phúc lợi xã hội nhất, nhất là về giáo dục, y tế. Những vấn đề xã hội ở nông thôn chưa được giải quyết một cách cơ bản. Họ chưa được bảo hiểm thiệt hại do thiên tai và thị trường, bảo hiểm xã hội.
Khi hiểu rằng cái nghèo thời nay không hẳn là cái đói. Nghèo cần hiểu theo nghĩa rộng, liên quan đến khả năng tiếp cận với các quyền được hưởng thụ và thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần cơ bản của con người mà xã hội thừa nhận. Quyền lợi của nông dân chưa được bảo vệ.
Nông dân là bộ phận yếu thế nhất, không có quyền mặc cả trên thị trường, nên quan hệ giữa thương nghiệp với nông dân đang diễn ra thiếu công bằng. Nông dân còn thiếu chủ quyền về đất đai, bị mất đất mà không có ai bênh vực. Việc đầu cơ ruộng đất làm giá bất động sản lên cao một cách giả tạo, nhưng nông dân cũng không được hưởng lợi gì từ việc này.
Theo cách xác định khái niệm nhóm người yếu thế được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra, thì người nghèo, người thất nghiệp cũng được coi thuộc nhóm yếu thế/thiệt thòi.
Nông dân Việt Nam đủ “tiêu chuẩn” là những người nghèo. Họ còn thuộc nhóm người yếu thế, thiệt thòi, dễ bị tổn thương. Nông dân, nông nghiệp đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Thế nhưng, họ lại là những người ít được hưởng lợi nhất trong công cuộc đổi mới của đất nước.
Những Nghị quyết của Đảng, những chính sách ở tầm cao nhất của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có.
Cần phải tăng tốc để thực hiện gấp đi thôi.