Nghề khai thác hải sản ngày càng khó
11:54 - 26/10/2016
(TNNN)- Thiên tai, ô nhiễm biển cộng với khó khăn về thị trường khiến ngành thủy sản đối mặt với khó khăn lớn nhất từ trước tới nay. Chỉ riêng tại miền Trung, sản lượng khai thác sụt 70.000 tấn, sinh kế của người dân gặp nhiều khó khăn.
Nghề khai thác hải sản ngày càng khó (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Hiện nay, trên 2/3 số tàu cá của các tỉnh do công suất nhỏ nên chỉ khai thác ven bờ. Theo Nghị định 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ, vùng ven bờ chỉ được khai thác hải sản với các thuyền có công suất từ 20 CV trở xuống. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, ngư dân ven biển các tỉnh chủ yếu khai thác hải sản ven bờ bằng các bè mảng, thuyền thúng. Bè mảng được bà con làm bằng các cây luồng, gắn động cơ từ 6 - 12 CV nên không thể ra khơi xa, chỉ căng buồm kéo rùng, kéo lưới đánh bắt các loại cá lẹp, cá trích, tôm, ghẹ... ven bờ, hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập bấp bênh. Thuyền thúng, tàu cá nhỏ cũng khai thác tương tự như vậy.
 
 
Nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Kiên Giang hiện đã giảm rất rõ. Theo đó, tỷ lệ cá tạp trong một mẻ lưới chiếm tới 30-40%, một số loài hải sản có giá trị kinh tế như cá thu, tôm thẻ… trở nên khan hiếm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 10.322 tàu thuyền làm nghề khai thác thủy sản, trong đó nghề lưới kéo là 3.213 chiếc. Sản lượng khai thác nghề lưới kéo chiếm khoảng 80% tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh.
 
 
Trong mùa cao điểm đầu tháng 6 năm nay, các loại hải sản bị rớt giá mạnh. Tình trạng được mùa, mất giá khiến nhiều tàu đánh bắt gặp khó khăn. Theo nhiều ngư dân ở Phú Yên, giá hải sản liên tục giảm từ 30-50% so với trước. Thông thường, mỗi kg cá nục có giá từ 15.000 - 20.000 đồng thì nay chỉ còn khoảng 7.000 - 10.000 đồng. Mực xà từ 13.000 đồng/kg rớt xuống còn 7.000 đồng/kg. Anh Lưu Bá Đệ, chủ một tàu đánh bắt xa bờ ở khu phố Phú Hiệp 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên cho biết: Lúc trước, cá được chia làm hai loại, một là để bán ngoài chợ (giá cao hơn), hai là bán làm “cá mồi” để làm thức ăn nuôi tôm hùm, nuôi cá nhưng nay tư thương chỉ mua cùng một giá của loại “cá mồi”. Với giá thu mua giảm tới 40%, ngư dân ai cũng buồn.
 
 
Bộ NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân sản lượng khai thác sụt giảm là tác động bởi thời tiết, biển đổi khí hậu. Đặc biệt, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, tình trạng ô nhiễm biển, ô nhiễm nguồn nước khiến cho thủy sản lâm vào tình cảnh khó khăn.
 
 
Việc chuyển đổi tàu có công suất nhỏ sang công suất lớn chậm. Nguyên nhân là do nguồn vốn để phát triển khai thác xa bờ lớn, trong khi đó các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn của Nhà nước còn hạn chế. Hầu hết lao động trên các tàu cá chưa được đào tạo, chủ yếu theo kiểu cha truyền con nối nên khó tiếp cận phương thức sản xuất tiên tiến.
 
 
Theo cơ cấu tàu thuyền và năng lực tàu thuyền đến năm 2025 cơ cấu tàu khai thác ven bờ giảm từ 74% như hiện nay xuống còn 47,1%. Tập trung phát triển nghề khai thác có hiệu quả, nghề lưới vây, nghề câu, lưới rê, mành chụp; giảm những nghề khai thác kém hiệu quả, đặc biệt là những nghề xâm hại đến nguồn lợi thủy sản, như: Nghề lưới kéo khai thác ven bờ hoặc sử dụng xung điện, chất nổ. Tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình kinh tế tập thể đối với khai thác vùng biển khơi và mô hình đồng quản lý đối với vùng biển ven bờ. Chuyển giao công nghệ khai thác tiên tiến, trang thiết  bị phục vụ khai thác và bảo quản sản phẩm khai thác xa bờ.
 
 
Để thực hiện theo lộ trình về chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền và năng lực khai thác, các cấp, ngành cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ ngư dân đầu tư nâng công suất tàu, giảm dần tàu có công suất nhỏ, hỗ trợ trong việc ứng dụng công nghệ mới vào khai thác, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân đầu tư cải hoán tàu cá để vươn khơi bám biển.
 
 

Hoàng Thanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo