Nhường đất cho thủy điện, dân Quảng Nam về khu tái định cư khốn khổ trăm bề
16:52 - 11/11/2016
Thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà cửa xuống cấp nên người dân tái định cư thủy điện ở Quảng Nam quay về làng cũ dựng lều ở. Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang hóa, cuộc sống người dân đang rơi vào cảnh đói nghèo. Để nhường đất cho các dự án thủy điện, 1.700 hộ dân phải di dời đi nơi khác...

Khốn khó trăm bề

Bà Lê Thị Sen, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, Quảng Nam bày tỏ, trên địa bàn xã, người dân tái định cư thủy điện Đắk Mi 4 ở thôn 2 khổ lắm. Bà con không có nước dùng, nhà bị xuống cấp, đất sản xuất lại thiếu...

12-23-38_nh-1
Nhà cửa thôn 2, xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn xuống cấp trầm trọng
 

“Nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên huyện cũng như chủ đầu tư của thủy điện để xem xét hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, đường ống dẫn nước cho người dân, song đến nay vẫn chưa có hồi âm gì”, bà Sen nói.

Cách đây gần 10 năm, công trình Thủy điện Đắk Mi 4 tiến hành xây dựng, gần 100 hộ dân ở thôn 2 (xã Phước Hòa) và thôn Nước Lang (xã Phước Xuân) phải di dời chỗ ở để nhường hơn 60 ha đất ở, đất sản xuất cho thủy điện. Người dân thôn 2 đang yên ổn ở dưới lòng hồ thủy điện lại dắt díu nhau lên ở mới. Đồng thời có được số tiền bù kha khá mang theo nên ai cũng phấn khởi, bởi có nhà xây, điện nước đầy đủ, lại gần đường. Ai cũng nghĩ, cơ hội đổi đời là đây. Thế nhưng, thời gian đã chứng minh cho họ điều ngược lại.

Ông Hồ Văn Thành, trưởng thôn 2 dẫn chúng tôi lên bể chứa nước trên đồi cao của thôn. Bể được xây dựng bê tông kiên cố gồm 2 ngăn, một ngăn chứa nước chảy về và một ngăn chứa nước đã qua hệ thống lọc sơ bộ. Tuy nhiên, lúc này cả hai ngăn chứa nước đều trơ đáy.

“Thiếu nước sinh hoạt, hàng ngày người dân khu tái định cư phải xuống khu vực làng cũ cách đó vài cây số để lấy nước về dùng”, ông Thành cho biết.

12-23-38_nh-3
Bể nước thôn 3A, xã Trà Đốc cỏ dại mọc um tùm
 

12-23-38_nh-4
Bể chứa hư hỏng, người dân không có nước dùng
 

Khát nước đã đành, người dân thôn 2 thiếu luôn đất sản xuất, bởi khi mới về toàn thôn chỉ 44 hộ, nay tăng thêm 20 hộ. Hiện trong thôn, không có hộ nào quá 2 sào ruộng, người dân đang đối diện thiếu ăn.

“Phát thêm rẫy thì chính quyền không cho, bảo phá rừng nên không dám. Nhưng chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nay được mai mất thì đói”, ông Thành than thở.

Theo ông Thành, gần 10 năm trước, khi chưa có thủy điện người dân có rất nhiều công việc để kiếm ra tiền, như bắt ốc, cá, bứt mây, lá nón, chưa kể làm rẫy, làm lúa có lương thực dự trữ. Nhưng chuyển về khu tái định cư, cuộc sống vất vả, không có đất để trồng lúa, người dân phải mua gạo về ăn. Giờ hầu hết bà con chỉ biết làm thuê để kiếm sống, nhưng người được thuê đa phần là đàn ông, còn phụ nữ chỉ quanh quẩn ở nhà không có chuyện gì làm.
 

Về lại làng cũ

Huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam có hơn 830 hộ dân phải di dời nhà cửa đến khu vực tái định cư để thực hiện dự án nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Qua gần 8 năm ở những vùng đất mới, đời sống của người dân “hậu tái định cư” vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa thật sự bền vững.

12-23-38_nh-2
Một ngôi nhà bỏ hoang của người dân thôn 3A, xã Trà Đốc, huyện Nam Trà My
 

Trong đó, thôn 3A, xã Trà Đốc nằm ngay cạnh lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 với 112 hộ dân tái định cư. Đường vào thôn được đổ bê tông bằng phẳng, nhà cửa san sát. Tuy nhiên, nhà cửa của người dân đã bị xuống cấp nhanh chóng, hầu hết cánh cửa chính đều hư hỏng, xộc xệch. Việc xây dựng những ngôi nhà kiên cố không phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào vùng cao nơi đây. Vì vậy, ngay bên cạnh những ngôi nhà này người dân vẫn làm những ngôi nhà truyền thống bằng gỗ và sinh sống chủ yếu ở đó.

Gia đình anh Trần Văn Du (SN 1983, trú thôn 3A) có 4 người con nhưng hàng ngày không dám ở nhà xây tái định cư, mà dựng túp lều bên cạnh để vợ con cùng ở. Chỉ qua ngôi nhà của mình do thủy điện xây, anh Du nói: “Nhà thủy điện xây chất lượng kém lắm, nứt nẻ khắp nơi. Thỉnh thoảng động đất lại xảy ra nên mình sợ nhà sập lắm, không dám ở. Hầu hết nhà nào cũng dựng thêm lều chứ ở nhà xây không yên tâm”.

12-23-38_nh-5
Hàng ngày, người dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 dùng can chở nước về sử dụng
 

Để nhường đất cho các dự án thủy điện, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 1.700 hộ dân phải di dời đi nơi khác. Hiện có đến hơn 70% các khu tái định của thủy điện xuống cấp. Cuộc sống của người dân các khu tái định cư còn nhiều khó khăn nên tỉnh đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ gạo để giúp đỡ người dân. Bên cạnh đó, để có đất cho người dân sản xuất, canh tác, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định chuyển 3.000ha đất rừng sang đất sản xuất cấp cho dân.

Ông Đinh Văn Minh, Trưởng thôn 3A ,cho biết: Người dân bắt đầu vào sống ở khu vực tái định cư từ năm 2009. Hiện nay, các hộ dân sống chủ yếu từ việc trồng lúa, khoai, sắn trên nương rẫy ngoài ra không có thu nhập gì khác nên cả thôn đều thuộc diện hộ nghèo.

Mỗi hộ dân được cấp 500m2 đất sản xuất, một diện tích quá ít đối với khu vực miền núi để bà con có thể canh tác trồng trọt. Mặt khác, khu vực đất sản xuất lại nằm cách xa nơi ở tới 6km, không phù hợp với tập quán canh tác gần nhà của bà con. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước sinh hoạt càng làm cho đời sống của người dân gặp thêm nhiều khó khăn.

Hiện thôn 3A có 6 hộ dân không ở trong nhà được cấp theo diện tái định cư mà quay trở lại khu vực ven lòng hồ thủy điện nơi có diện tích canh tác trước đây và lập lán sinh sống tại đó.

“Thời điểm khi mới đưa người dân về sinh sống ở khu vực tái định cư phía nhà máy thủy điện có nhiều hỗ trợ, chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho bà con nhưng về sau không còn nữa”, ông Minh cho hay.

Không riêng gì thôn 3A mà thôn 3B, xã Trà Đốc cũng tương tự, họ phải di dời chỗ ở nhường đất cho việc xây dựng thủy điện Sông Tranh 2. Sau khi người dân bị dồn vào các khu tái định cư, qua nhiều năm sinh sống cuộc sống của người dân nơi đây gặp vô vàn khó khăn. Có gần 100 hộ dân sinh sống nơi ở mới nhưng thiếu đất sản xuất, do đó hàng chục hộ dân bỏ nhà ở khu tái định cư về lại khu vực ven lòng hồ thủy điện trước đây dựng lều để ở.

Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc bày tỏ, khó khăn lớn nhất của người dân nơi đây là thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt. Để có đất canh tác, người dân về lại khu vực lòng hồ, nơi có diện tích đất chưa bị ngập nước để ở. Một số hộ dân thậm chí bán nhà để đi nơi khác sinh sống.

12-23-38_nh-6
Hầu hết người dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 làm thêm nhà gỗ ở
 

“Hơn 4 tháng nay, thủy điện cũng không còn trợ cấp gạo nữa nên cuộc sống người dân khó khăn hơn. Để ổn định sinh kế bền vững cho người dân các ngành chức năng và phía nhà máy thủy điện cần hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch để dẫn nguồn nước suối về các thôn, đồng thời bố trí thêm diện tích đất sản xuất để bà con phát triển trồng trọt, chăn nuôi qua đó vươn lên thoát nghèo”, ông Lợi nói.

“Nhà cửa xuống cấp trầm trọng, có nhà còn không có nổi cánh cửa nguyên vẹn. Bọn trẻ không có chỗ để chơi, chỉ quanh quẩn theo chân mẹ ở các gốc cây tránh nắng. Ở làng cũ, có cả một bãi rộng để thanh niên, trẻ nít chơi đùa. Mỗi lần có hội, cả làng tập trung ra đó, vui lắm.” - Trưởng thôn Hồ Văn Thành.

 

ĐẮC THÀNH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo