Bầu Cam phất lên nhờ quýt, nhưng 'vị ngọt' giảm đi
14:59 - 09/11/2016
Mấy chục năm trước, ấp Bầu Cam, xã Tân Thành, cách TX Đồng Xoài (Bình Phước) hơn 20km, chỉ là vùng rừng rú heo hút nhưng bây giờ trở thành vùng cây ăn quả trù phú.

Dù đường đi chưa được “nhựa hóa” nhưng nhiều biệt thự hoành tráng đã mọc lên...
 

Bầu cam - vựa quýt

Theo chân ông Bùi Khánh Phô, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi xã Tân Thành, chúng tôi đến ấp Bầu Cam. Trên đường đi, ông Phô kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thú vị về nguồn gốc tên Bầu Cam.

03-34-02_nh-1
Bà Thạch Thị Póm bên vườn quýt

 

Ấp Bầu Cam có tự bao giờ chẳng rõ, chỉ biết sau năm 1975 nơi đây chỉ có một vài hộ đồng bào S’tiêng sống rải rác dọc 2 bờ sông Bé, kiếm sống bằng nghề chài lưới. Khi đó, thỉnh thoảng lại có những chiếc xuồng của người dân ở miền Tây theo sông Bé lên, họ buôn bán, vận chuyển hàng hóa hoặc đánh bắt cá.

Trong những chuyến đi dài ngày ấy, họ thường nhờ vả người dân bản địa mua nhu yếu phẩm, lương thực. Mỗi lần lên bờ, họ lại mang theo trái cây, trong đó có cam để biếu người dân. Vài năm sau, người dân đi rừng rất ngạc nhiên khi thấy nhiều cây cam đã ra trái. Hái ăn thử, thấy ngọt lịm liền bứng về nhà trồng. Tiếng lành đồn xa, chỉ vài năm sau, hộ nào cũng trồng cam trong vườn nhà.

“Vì lúc đó xóm này chưa có tên, để dễ nhớ, người ta cứ nói Bầu Cam. Riết thành tên địa danh như bây giờ”, ông Phô nói. “Nhưng bà con khá lên nhờ quýt chứ đâu phải cam?”, tôi ngạc nhiên hỏi. Ông Phô cười: “Đúng rồi, đó là tôi kể nguồn gốc cái tên ấp. Còn chuyện giàu nhờ quýt lại là chuyện khác. Để tôi dẫn các anh đến gặp người có công đưa cây quýt đường vào vùng này, các anh sẽ hiểu”.

Dừng chân trước cổng một khuôn viên khá rộng, bên trong là tòa nhà đồ sộ đang được nhóm thợ hoàn thành phần thô, ông Phô cho biết, chủ nhân là bà Thạch Thị Póm, 56 tuổi, người dân tộc Nùng, quê gốc Cao Bằng. Bà Póm chính là người đưa giống quýt đường vào ấp Bầu Cam cách đây 15 năm.

03-34-02_nh-2
Căn biệt thự của bà Póm

 

Nghe chúng tôi hỏi chuyện lập nghiệp và cây quýt đường, bà Póm cười hiền, kể: “Tôi quê ở Cao Bằng, vì nghèo, khổ quá, ruộng nương chẳng có nên năm 1988, chúng tôi quyết định liều dắt 2 đứa con nhỏ đi 6 ngày đêm mới vào đến đây. Khi đó tài sản còn lại là gần triệu bạc. Cũng may là hồi đó không có tiền để quay về. Nếu không chắc cuộc sống không được thế này”.

Nói về cơ duyên với cây quýt đường, bà Póm kể, năm 2000, một lần đi chợ Đồng Xoài, bà tình cờ được một chủ vựa cây giống ở Đồng Tháp giới thiệu cây quýt đường. Nghe bùi tai, bà mua 50 cây về trồng thử, thấy cây phát triển rất tốt, 2 năm sau thì ra trái. Điều không ngờ là trái nhiều và rất ngọt. Chứng tỏ cây rất hợp thổ nhưỡng khí hậu ở đây.

“Tôi nhớ vụ đầu thu được đâu 5 tạ trái, mang ra chợ Đồng Xoài bán được có mấy ngàn đồng/ký. Người ta mua về ăn thử, xong chạy ra mua thêm. Mỗi ngày tôi mang ra chợ 50 ký, bán chưa đến nửa ngày là hết. Vì lúc đó ở đây rất hiếm loại quýt này”, bà Póm kể.

Sau đó, bà về tận Đồng Tháp, tìm mua thêm cây giống quýt đường về trồng. Bà con trong thôn thấy vậy cũng đổ xô trồng quýt. Gia đình bà Póm đang sở hữu hơn 20ha đất, trong đó có hơn 2ha quýt đường. Bà Póm cho biết, nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch từ 40 - 50 tấn quả/ha.

Với giá bán tại vườn từ 20 - 30 ngàn đồng/kg tùy mẫu mã, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, 1ha quýt có thể thu lãi bạc tỷ. Căn nhà bà đang hoàn thành dự kiến hết khoảng 2 tỷ đồng, chưa tính nội thất, phần lớn nhờ cây quýt. “Mấy năm nay, cao su mất giá, cũng may có cây quýt bù lại”, bà Póm nói thêm.
 

Cân nhắc đầu tư

Cách nhà bà Póm vài trăm mét là ngôi biệt thự của gia đình ông Lương Văn Toàn, người được mệnh danh là “vua" quýt đường. Căn của ông Toàn mới xây hết gần 3 tỷ đồng, chưa tính bạc tỷ sắm nội thất bên trong. Tất cả đều từ cây quýt mang lại. Nhà ông có 4ha quýt đường, mỗi năm thu gần 200 tấn trái, đều được thương lái vào thu mua tại vườn. Bình quân mỗi năm ông thu nhập trên 2 tỷ đồng.

“Nếu chăm sóc tốt thì năm thứ 3 là có thể thu hoạch khoảng 20 tấn/ha, từ năm thứ 6 trở đi, có thể cho năng suất 40 - 50 tấn/ha, thậm chí có thể đạt 60 tấn/ha”, ông Toàn nói.

03-34-02_nh-3
“Vua" quýt đường Lương Văn Toàn

 

Trong khi nhiều hộ ở Bầu Cam và xã Tân Thành phất lên nhờ quýt đường thì thời gian gần đây đã có những hộ thất bại khi đầu tư hết vốn vào vườn quýt. Theo ông Phùng Văn Quán, Trưởng ấp Bầu Cam, nếu không có kinh nghiệm trong việc chọn giống, phân bón, thuốc, cách chăm sóc… thì có thể mất trắng. Bên cạnh đó, trên thị trường hiện có nhiều loại phân bón, thật giả lẫn lộn cộng với khí hậu biến đổi nên quýt sinh bệnh quăn lá, nấm, rụng quả, vàng lá hoặc thiếu nước tưới nên đã có những hộ trắng tay.

Đơn cử như hộ anh Nguyễn Văn P., phải bán nhà để trả nợ vì quýt đường. Lúc đầu nhà anh có 8 sào quýt, mỗi năm cũng thu vài trăm triệu. Sau đó, anh vay tiền thuê thêm 5ha đất, dốc hết vốn liếng đầu tư trồng quýt. Không may cho anh, mua phải phân giả khiến quýt chết hàng loạt, phần còn lại cũng ảnh hưởng thời tiết, thiếu nước tưới nên gần như mất trắng. Không có khả năng chi trả nợ, anh đành bán cả nhà, đất để thanh toán dứt điểm và mua lại miếng đất nhỏ để gia đình tá túc.

“Hiện quýt đường không còn “ngọt” như cách đây 5 - 7 năm nữa, vì diện tích tăng, rồi các loại trái cây khác cạnh tranh. Chưa kể các vấn đề về thời tiết, giống, phân bón, kỹ thuật chăm bón… Cho nên, nếu muốn đầu tư phải cân nhắc thật kỹ. Nếu không rất dễ thất bại”, ông Quán nói.

Theo thống kê của Hội Nông dân xã Tân Thành, hiện diện tích quýt toàn xã lên đến khoảng 300ha. Nhiều hộ có từ 1 - 5ha được đầu tư bài bản về kỹ thuật, đạt thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm. Riêng ấp Bầu Cam có hơn 80 hộ, đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn ¾ số hộ trồng quýt đường. Và hơn 40 hộ có nhà xây khang trang, hay nói cho sang là biệt thự. Cá biệt, có hộ có năm thu trên 3 tỷ đồng từ cây quýt đường như hộ anh Lương Văn Toàn. Còn rất nhiều người khác giàu lên nhờ quýt đường như Lương Văn Tờ, Hoàng Từ Liêm, Hoàng Văn Hợp, Lăng Văn Thắng, Hoàng Trúc An...

 

PHÚC LẬP
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo