Ấp Cồn Cù, xã Đông Hải (Duyên Hải, Trà Vinh), cách nhà máy nhiệt điện Duyên Hải hơn 3 km, có nghề làm muối nổi tiếng ĐBSCL nhưng bây giờ vắng vẻ.
|
Anh Lâm Văn Em bên đống muối không bán được |
Hai bên đường là ruộng muối mênh mông nước, xa xa có chòi lá chất đầy muối tồn đọng.
Bà Trịnh Thị Phiến, ở ấp Cồn Cù, cho biết, chưa năm nào làm muối khổ như năm nay. Cả nhà làm quanh năm trông cậy vào muối để sinh sống nhưng vụ này làm ra, bán không ai mua dù giá rẻ.
“Đầu vụ giá muối gần 30.000 đồng/giạ (khoảng 30 kg/giạ) nhưng muối ở đây bị đen nên giảm xuống còn 7.000 – 8.000 đồng/giạ vẫn không có người mua. Dân làm muối sắp bỏ nghề hết rồi. Nhà tôi làm ra gần 2.000 giạ thu hoạch hồi tháng 3 đến nay còn chất đống ngoài ruộng”, bà Phiến chỉ tay về đống muối phía sau nhà, được che bạt kín.
Con trai của bà Phiến là anh Lâm Văn Em, người đen nhẻm, cho biết, gia đình có 0,6 ha làm muối đã 3 thế hệ. Anh kể, để làm ra hạt muối tốt đòi hỏi phải có kỹ thuật chứ không thể bỏ mặc cho trời được. Trước khi đưa nước biển vào khuôn kết tinh, phải cho nước qua các ao lắng lọc, tốn nhiều thời gian hơn là đưa nước biển thẳng vào khuôn nhưng được hạt muối trắng, bán giá cao.
“Nhưng năm nay vì khói bụi từ nhà máy điện Duyên Hải bay tới làm muối bị đen nên bán giá rẻ vẫn không ai mua”, anh Em than thở.
Rời nhà bà Phiến một đoạn vài trăm mét là đến nhà bà Nguyễn Thị Vân, có 0,5 ha làm muối, thu hoạch được 1.500 giạ đến giờ vẫn chất đống. Lúc chúng tôi đến vào chập tối, bà Vân đang chuẩn bị cơm cho gia đình trong căn nhà lá cũ kỹ khoảng vài chục mét vuông. Dừng tay làm, bà Vân cho biết, khi nhà máy điện mọc lên khói bụi bay sang đây làm muối đen như “dầu hắc” không bán được, bây giờ kêu cho người ta cũng không lấy huống chi bán.
“Tôi xót nhất là làm ra hạt muối đổ mồ hôi, cực khổ nhưng giá cả thì phụ thuộc vào thương lái, năm có giá lời được vài triệu chứ như năm nay giá thấp lỗ mà bán lại không được, chưa khi nào khổ như nghề muối lúc này”, bà Vân nói.
Chồng bà là ông Dương Văn Thi ngậm ngùi: “Nhà cũ kỹ muốn sập mà mấy năm nay không cất lại nổi, thậm chí ngày càng khó khăn hơn. Có đất được làm chủ mà tính ra còn thua những người không đất, đi làm thuê”.
Cũng vào chiều muộn, bà Nguyễn Thị Út Chính đang chăm 3 đứa con nhỏ trong căn nhà cấp bốn cạnh ruộng muối.
Bà Chính cho biết, nhà không ruộng đất nên thuê 0,5 ha làm muối, năm nay không bán được đang chất đống ngoài ruộng. Chồng đi làm thuê kiếm gạo hằng ngày. Gia đình có 3 đứa con, con gái lớn học lớp 4 phải cho nghỉ vào năm rồi vì không có tiền cho học tiếp, 2 đứa nhỏ chưa đủ tuổi đi học.
“Chi phí đầu tư thuê ruộng, nhân công hơn 15 triệu đồng nhưng không bán được, chưa kể nợ nhà nước gần chục triệu. Bây giờ tính chuyện ăn gạo hằng ngày còn không xong huống chi cho con ăn học”, bà Chính tâm sự.
Ấp Cồn Cù có gần 200 hộ làm muối, khi vào vụ muối trắng cả cánh đồng. Tuy nhiên, vài năm nay giá muối xuống thấp khiến nhiều người không còn mặn mà với nghề truyền thống mà phải chuyển sang nuôi tôm hay đi làm thuê, điển hình như gia đình bà Lâm Thị Thảo. Bà Thảo kể, sau nhiều năm làm muối thua lỗ, gia đình bà đã chuyển hơn 0,5 ha làm muối sang nuôi tôm quảng canh.
“Làm muối riết không khá lên mà ngày càng nghèo đi do muối rớt giá. Vì thế, ba đứa con của tôi học chưa hết cấp ba cho nghỉ để cùng chồng lên Bình Dương làm thuê. Hiện tại, chỉ mình tôi ở nhà nuôi tôm nhưng cũng đang gặp khó khăn. Từ đầu năm đến giờ mới thu hoạch được 2 triệu đồng sống lay lắt qua ngày, còn lại nhờ tiền chồng con gửi về tiêu xài, trả nợ nần”, bà Thảo tâm sự.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Đông Hải, cho biết, nghề làm muối của xã tập trung chủ yếu ở ấp Cồn Cù với 152 hộ sản xuất trên diện tích 121 ha. Năm 2016 sản lượng là 10.870 tấn, tuy nhiên đầu năm khói bụi từ nhà máy đã làm muối đen, giá thấp mà vẫn còn tồn trong dân trên 40%. Một số hộ đã chuyển sang nuôi tôm quảng canh nhưng cũng khó khăn. Vì thế, ông Tâm nói, xã đang đề nghị phải xử lý triệt để tình trạng khói bụi từ nhà máy, tránh về lâu dài ảnh hưởng đến đời sống không chỉ người dân làm muối mà còn đánh bắt thủy sản ven biển.