Do ảnh hưởng sự cố môi trường biển nên vùng nuôi tôm sát cửa sông Bến Hải của xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị năm nay gần như mất trắng. Người nuôi không trả được nợ ngân hàng vì phải vay vốn đầu tư sản xuất.
Một thời oanh liệt
Xã Vĩnh Sơn là một trong những vùng nuôi tôm lớn với tổng diện tích trên 156ha. Năm 2012 đến năm 2015, Vĩnh Sơn được đánh giá là địa phương nuôi tôm đạt năng suất và hiệu quả cao nhất tỉnh.
Nhiều ao tôm bỏ hoang sau sự cố tôm chết
Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết, năng suất bình quân nuôi tôm của xã đạt 45 tạ/ha; tổng sản lượng đạt 761 tấn/năm, doanh thu năm cao nhất khoảng 77 tỷ đồng, đạt 198% kế hoạch. Mô hình nuôi tôm bắt đầu xuất hiện ở Vĩnh Sơn vào năm 2000 - 2001 với một số hộ nuôi nhỏ lẻ nhưng cho thu nhập khá nên chỉ vài năm sau, phong trào nuôi tôm ở đây phát triển mạnh, người dân đua nhau chuyển đổi ruộng đất, đào ao thả giống.
Dốc sức với người dân, UBND xã Vĩnh Sơn đã chỉ đạo các HTX kiện toàn các ban điều hành cộng đồng nuôi tôm và ban hành các quy chế cộng đồng về nuôi tôm sú một cách cụ thể ở từng HTX. Có 15 tổ nuôi tôm cộng đồng được hình thành. Mỗi tổ chịu trách nhiệm quản lý từng khu vực nhỏ, đôn đốc, hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về cải tạo ao hồ, chọn giống, khung lịch thời vụ, mật độ thả tôm giống, sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước…
Ông Trần Đức Hữu ở HTX Huỳnh Thượng cho biết Huỳnh Thượng có 44,5ha nuôi tôm với 155 hộ. Toàn bộ diện tích nuôi đều khép kín, rào lưới B40. Tất cả các xã viên đều tuân thủ quy ước nuôi tôm cộng đồng của HTX là chỉ bơm nước một lần ở sông Bến Hải vào cải tạo ao hồ đầu vụ nuôi nên nhiều vụ nuôi tôm thắng lợi.
Lâm cảnh khó khăn
Tuy nhiên những thuận lợi trên là ở các mùa nuôi tôm trước. Bây giờ, nông dân Vĩnh Sơn lại lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì tôm chết không rõ nguyên nhân. Ông Thân Trọng Dũng cho biết, xã thiệt hại trong vụ nuôi tôm vừa qua khoảng 33 tỷ đồng. Ảnh hưởng sự cố môi trường nên vụ này qua tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Những hồ không chết thì tôm nuôi không lớn, kéo dài thời gian sinh trưởng so với các năm trước. Ông Dũng liệt ra một danh sách dài các hộ nợ ngân hàng vì nuôi tôm bị chết như các ông Trần Duy Thức, Trần Văn Dực, Nguyễn Văn Thú… Các hộ này không còn tiền để trả cho ngân hàng, nuôi đâu chết đó.
Theo tính toán của người nuôi tôm Vĩnh Sơn thì trung bình một hồ tôm có diện tích 1.000m2 cần khoản vốn đầu tư 90 - 100 triệu đồng, gồm chi phí cải tạo ao hồ đầu vụ, giống, tiền điện, thức ăn, các loại thuốc xử lý môi trường và thuốc bổ cho tôm. Nhìn vào danh mục chi phí, mọi người đều hiểu khoản đầu tư lớn nhất trong nuôi tôm là chi phí thức ăn và thuốc. Do đó, tôm bị chết đối với người nông dân là một thiệt hại rất lớn. Vì gia tài họ cũng đã cầm cố cho ngân hàng để lấy tiền nuôi tôm.
Ông Trần Văn Lưu ở thôn Phan Hiền có 5ha nuôi tôm. Vụ vừa rồi tôm mới nuôi được 2 tháng tuổi thì bị chết. Ông tiếp tục thả thêm 2 lứa giống nữa nhưng tôm cũng chết hết. Không chịu bó tay, lần này ông Lưu cải tạo ao hồ sạch sẽ vừa thả nuôi tôm được 10 ngày trên diện tích 3ha. Gia đình ông Lưu như đang nín thở theo dõi ao tôm từng ngày. Ông Lưu lo lắng vì môi trường nuôi quá khắc nghiệt, sợ tôm chết thêm một lần nữa thì bể vốn.
Trong câu chuyện nhọc nhằn về nghề nuôi tôm, ông Lưu không giấu được những vất vả, lo âu với con tôm từ khi thả xuống ao đến ngày thu hoạch. Khi nào bán được tôm cầm tiền trong tay mới ăn chắc là thắng lợi.
Nhưng không phải ai cũng mạnh dạn như gia đình ông Lưu, đa phần các gia đình ở xã Vĩnh Sơn chưa dám nuôi tôm trở lại. Họ mới cải tạo lại ao hồ song để nuôi cá nước ngọt, một số diện tích bà con xử lý để nuôi tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra còn nhiều diện tích nuôi tôm bà con đang bỏ hoang.
Ông Thân Trọng Dũng đề nghị ngành nông nghiệp Quảng Trị sớm hỗ trợ hóa chất để giúp dân xử lý ao hồ cũng như quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi để dẫn nước về nuôi tôm bảo đảm an toàn, tránh dịch bệnh xẩy ra. |