Thuyền nhỏ, chưa thể bám biển vươn khơi xa, ngư dân Hải Phong 1 gặp khó!
10:18 - 07/06/2016
Chưa thể bám biển vươn khơi, hàng nghìn miệng ăn của thôn Hải Phong 1 (Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh)  chỉ biết trông chờ vào lòng hảo tâm của các cơ quan, tổ chức; hàng trăm con thuyền nằm im lìm trên bờ cát trắng, phơi mình giữa những ngày nắng chang chang.
Ngư cụ được tấp đống giữa sân

13h, trời như đổ lửa, cỏ cây héo quắt, như mọi hôm chẳng ai chịu rời nhà nửa bước, nhưng hôm nay, bên ngoài nhà văn hóa thôn Hải Phong 1 (Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã chật nêm người.

Bên trong là hàng tấn gạo, mì tôm, dầu ăn… cứu trợ được chất đầy. Gần tháng nay, ban cán sự thôn không còn chút thời gian thảnh thơi, họ lo lên danh sách, phân phối hàng cứu trợ sao cho khỏi lời ra, tiếng vào.

Ông Lê Thanh Viết, trưởng thôn Hải Phong 1 vã mồ hôi, vừa vác gạo, vừa thở hổn hển, nói đứt quãng: “Không nhớ có mấy đoàn (từ thiện - PV) nữa nhưng đoàn nào cũng mang các nhu yếu phẩm thiết thực nhất đến cứu trợ cho bà con.

Thôn có 171/390 hộ ngư nghiệp nhưng hơn 1 tháng nay không còn ai ra khơi nữa, chỉ quẩn quanh ở nhà. Ngư dân mà gác mái chèo thì không còn làm được nghề gì khác, lấy gì mà bỏ vào miệng bây giờ?”.

16-46-24_1
Hội trường thôn Hải Phong 1 chật nêm người nhận hàng cứu trợ giữa trưa hè nắng gắt

 

Thôn Hải Phong 1 có 150 con thuyền nhưng chỉ 1 chiếc có công suất 90CV có thể đánh bắt ngoài 40 hải lý. Thế nhưng, họ cũng không buồn dong buồm ra khơi, mấy phen cá tôm về đến bến bãi, chẳng ai đoái hoài. Buồn lắm, biển chưa bao giờ mặn đắng đến thế!

Lão ngư Chu Văn Giăng đã ngoài 60 tuổi. Trước lão cùng 2 người con và em trai ngày nào cũng ra biển. Chỉ với chiếc thuyền 24CV, sáng sớm đánh cá vùng lộng, chiều tối câu mực, mỗi ngày gia đình lão cũng kiếm được triệu bạc, đủ trang trải cho cuộc sống và góp vào trả nợ đóng thuyền.

Thế mà bây giờ, đống ngư cụ vợ chồng lão vay gần 50 triệu đồng mua sắm được đưa về tấp đống giữa sân. Cả ngày, vợ chồng, con cái lão hết ra lại vào trong căn nhà dăm chục mét vuông này. Thi thoảng nhớ thuyền, nhớ biển, lão lại vòng ra phía sau nhà, nhìn đăm đăm ra xa, nước mắt ngắn dài. Con thuyền của lão vẫn nằm yên trên cát trắng, rũ bóng, buồn rười rượi, chẳng nhúc nhích, lặng thinh, nhớ biển.

16-46-24_2
Ngư dân nhận hàng cứu trợ

 

Nghỉ đi biển được vài ngày thì nhà cũng hết cái ăn, lão tìm ra Hoàng Mai (Nghệ An) đi làm thợ hồ. Nhưng là “lính đánh thủy”, lại đã có tuổi, lão say xe còn hơn cả say sóng, ra đến Hoàng Mai thì kiệt sức. Thế là lão nghỉ ngơi nhà người thân vài bữa rồi ra về tay trắng, suốt ngày vào ra, chán ngắt.

Hai thằng con của lão và đám thanh niên làng thì suốt ngày cá cược đánh bóng chuyền rồi nhậu nhẹt túy lúy. Cả đám lau nhau kéo về nhà, mùi rượu nồng nặc, đứa nào đứa nấy mặt mũi tím tái. Giữa trưa, nắng chói chang nhưng chúng vẫn hè nhau ra sân tiếp tục đánh bóng, chuẩn bị nhậu buổi chiều…

Em trai lão là Chu Văn Tiến còn bi đát hơn. Tiến mới 35 tuổi nhưng trông già khọm. Vợ Tiến đang mang thai đôi, gầy gò, đen đúa. Sinh cặp này, vợ chồng có 5 đứa con. Chúng sẽ càng nheo nhóc bởi giờ đây, trong nhà anh không còn một cắc bạc lẻ, hũ gạo trống trơn, vườn không rau không cỏ.

16-46-24_3
Vợ chồng, con cái Chu Văn Tiến ăn đong từng bữa

 

Vùng này chuyên nghề biển nên cũng chẳng ai có chuồng trại chăn nuôi. Nghĩa là, ngoài biển ra, người dân ở đây không còn cách nào khác để kiếm tiền. Vợ sắp đến ngày ở cữ, Tiến không dám bỏ đi làm ăn xa nên càng thêm túng bấn. Mấy bữa nay, vợ chồng Tiến ăn gạo cứu trợ, mì tôm, 3 đứa con đến trường có hôm đứt bữa.

Thịt lợn vùng này vốn hiếm, đắt, nay không có cá biển giá lại càng “leo thang”; trứng vịt là thứ dễ mua, dễ ăn nhất ở đây giờ cũng lên giá. Không có tiền, bữa cơm ngư dân vùng biển chưa bao giờ đạm bạc đến thế.

16-46-24_6
Bữa cơm vùng biển thiếu cá biển

 

Biết đến bao giờ, những con thuyền nhỏ mới lại dong buồm ra lộng, mang nặng những cá tôm, cua mực về với đất liền?

“Kỳ Lợi là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm cảnh cá chết hàng loạt trên biển miền Trung. Toàn xã có 70% số hộ chuyên nghề đánh cá biển nhưng chỉ có 20% số tàu thuyền đủ công suất để đánh bắt ngoài 40 hải lý, đa phần đánh bắt trong lộng. Thế nhưng, hoạt động đánh bắt gần bờ, xa bờ gần như ngừng hẳn hơn 1 tháng nay. Cuộc sống của ngư dân chưa bao giờ khốn khó đến thế”,ông Chu Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi.

 

VÕ VĂN DŨNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo